“Người khốn khổ” trong vụ “đại gia Kinh Bắc trốn thuế” vẫn tin vào công lý

Theo Pháp luật Việt Nam

Ngày 25/1/2013 tòa án thị xã Từ Sơn sẽ đưa vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa công ty Phú Thái và công ty Thành Công ra xét xử. Ông Tiến là nguyên đơn, công ty Phú Thái là bị đơn, Nguyễn Thạc Thanh là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng với một loạt các “tên tuổi” khác trong giới doanh nhân.

Ông Tiến đã “mất cả cơ nghiệp” khi làm ăn với đại gia Nguyễn Thạc Thanh. Gần 4 năm nay, ông vác đơn kêu kiện khắp nơi nhưng chỉ nhận lại được sự im lặng khó hiểu của các cơ quan công quyền.

Trước phiên tòa, một vị luật sư “giấu mặt” của công ty Phú Thái còn “hiến kế” cho ông Tiến là hãy dừng lại mọi việc kiện tùng để tập trung cho cuộc sống mới vì có đòi cũng chả còn gì ngoài mấy tờ giấy.

Sự thực thì sao?

Tin bạn, mất cơ nghiệp!

Làm ăn với nhau từ những năm 1998, Nguyễn Thạc Thanh và ông Nguyễn Văn Tiến đã thực hiện nhiều hợp đồng mua bán mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ ngành sản xuất bia như: thùng đựng bia sản xuất tại Trung Quốc, máy chiết rót bia, hệ thống dây truyền rửa chai, đến các mặt hàng Hoa Hublong, các hóa chất như cao CO2 (Cao bia), Malt bia.

Mọi việc trước năm 2008 đều diễn ra xuôi chiều, phía Thanh đã thanh toán đầy đủ, đều có biên bản đối chiếu xác nhận nợ giữa hai bên, không có vướng mắc gì. Việc nợ nần đều rất minh bạch và ông Tiến đã tin tưởng tuyệt đối vào Thanh. Cùng sự thành công của Thanh với một hệ thống nhiều công ty, nhà máy.

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_01_24/images667668__ng_Nguy_n_V_n_Ti_n.jpg
Ông Nguyễn Văn Tiến

Đến đầu tháng 3/2008 Thanh nhờ ông Tiến nhập lô hàng 5.000 tấn Barley của Úc chuyển về Quảng Châu – Trung Quốc gia công thành Malt cho Thanh. Theo lời ông Tiến thì Thanh đã trình bày: “vì điều kiện đợt này em nhập khẩu khá nhiều, nên nhờ anh thế chấp tài sản ở Ngân hàng làm thủ tục nhập khẩu, mở L/C sau đó sẽ ký hợp đồng bán cho công ty của Thanh”.

 Tin tưởng Nguyễn Thạc Thanh, ông Tiến đã đồng ý. Ngày 12/3/2008, Thanh đã làm cam kết và đại diện Công ty Grain Corp Operations Limited Australia đã gửi hợp đồng nhập khẩu 5.000 tấn Barley và tiến hành thủ tục mở L/C và hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Đầu tư Bắc Ninh đồng thời phía Công ty GUANGZHOU MALTING CO.,LTD gửi cho ông Tiến hợp đồng gia công số GMY XJ 0803005 ngày 08/4/2008, mọi việc diễn ra bình thường. Phía Úc bắt đầu giao Barley về Quảng Châu – Trung Quốc để gia công thành Malt, lô hàng đầu tiên về đến Việt Nam tháng 10/2008, hai bên đã tiến hành giao hàng và thanh toán bình thường.

Sau khi thực hiện thêm một vài giao dịch hợp đồng khác thì đến ngày 29/12/2008 Công ty cổ phần VLCN Phú Thái chuyển cho Công ty Thành Công số tiền: 20.940.183.000đ và có công văn đề nghị chỉ thanh toán cho Công ty Thành Công: 3.540.183.000đ và xin lấy lại 17.400.000.000đ để trả nợ Ngân hàng Đầu tư vì Công ty cổ phần VLCN Phú Thái vay nợ quá hạn chưa thanh toán, sau đó sẽ làm thủ tục vay để thanh toán cho Công ty Thành Công chậm nhất hết 31/01/2009.  

 Ngày 09/01/2009 công ty Phú Thái chuyển cho Công ty Thành Công 5.691.077.000đ nhưng chỉ thanh toán 2.971.077.000đ, xin rút 2.900.000.000đ và cũng cam kết chậm nhất 31/01/2009 sẽ thanh toán hết. Tuy nhiên, những cam kết trên không được thực hiện.

 Đến ngày 20/5/2009 hai bên đã tiến hành đối chiếu lại toàn bộ lô hàng và công nợ giữa hai bên đến ngày 30/4/2009 Công ty cổ phần VLCN Phú Thái còn phải thanh toán cho Công ty Thành Công với số tiền là: 2.050.346,05 USD. Công ty cổ phần VLCN Phú Thái có công văn đề nghị phía Công ty Thành Công tạo điều kiện giúp đỡ và cam kết cụ thể là: Đến hết 30/9/2009 sẽ thanh toán số tiền khoảng: 700.000 USD. Đến hết tháng 7/2009 sẽ thanh toán số tiền khoảng: 500.000 USD. Đến hết tháng 8/2009 sẽ thanh toán số tiền khoảng: 500.000 USD. Đến hết tháng 9/2009 sẽ thanh toán hết toàn bộ số tiền.

Thực tế, Nguyễn Thạc Thanh đã không thực hiện lời hứa của mình khiến ông Tiến phải “giơ đầu chịu báng”

Khốn đốn vì nợ và kiện

“Không kiện thì không lấy được nợ, mà kiện tụng thì mệt mỏi lắm”, ông Tiến ngậm ngùi nói. Tài sản mất trắng, nợ nần chồng chất, cuộc sống của ông Tiến chỉ biết nhìn vào khoản nợ chưa trả của Thanh.

Bị dồn vào đường cùng, ông Tiến đã viết đơn tố cáo những sai phạm của  Nguyễn Thạc Thanh. 4 năm sau, năm 2012 Nguyễn Thạc Thanh và đồng bọn mới phải ra trước vành móng ngựa. Trong suốt 4 năm ròng rã đó, ông Tiến nhiều lần bị các đối tượng “ẩn danh” dùng nhiều phương thức để hăm dọa, trấn áp bên cạnh đó bị ngân hàng cho vào “sổ đen”, hối thúc trả nợ. Có những thời điểm :“Tôi đã hoàn toàn sụp đổ và đã nghĩ rằng mình có khả năng rơi vào vòng lao lý vì không thanh toán được cho Ngân hàng, bởi lẽ: các khoản vay Ngân hàng để nhập khẩu lô hàng đó cho Thanh đã quá hạn từ lâu, và đang bị phía Ngân hàng thúc giục, mặc dù tôi đã có cố gắng hết sức, đã bán đi toàn bộ tài sản của gia đình, anh em để thanh toán cho Ngân hàng nhưng cũng không thấm tháp gì vì số nợ quá lớn”, ông Tiến tâm sự.

Để tố cáo những sai phạm của Nguyễn Thạc Thanh ông Tiến đã kiên trì đi đến các cơ quan chức năng có trách nhiệm như: Cục Thuế Bắc Ninh, Công an Bắc Ninh, Sở kế hoạch Đầu tư Bắc Ninh. Tổng Cục Thuế, Bộ Tài Chính, Bộ Công An, bao gồm , Cục An ninh Kinh tế, Cục An ninh điều tra, Tổng Cục cảnh sát, Thanh tra Bộ Công an, Ban chỉ đạo chống tham nhũng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Thế nhưng những đơn này đều được chuyển về Công an tỉnh Bắc Ninh, Cục Thuế Bắc Ninh giải quyết theo thẩm quyền. Và “tôi mới chỉ nhận được những sự trả lời đơn điệu, chưa thỏa đáng”, ông Tiến bức xúc.

Đại gia Kinh Bắc Nguyễn Thạc Thanh trước vành móng ngựa
                                                        Đại gia Kinh Bắc Nguyễn Thạc Thanh trước vành móng ngựa

Điều lạ lùng là khi phóng viên tiếp xúc với những người có trách nhiệm trước các lá đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Tiến, điều mà chúng tôi nhận thấy rõ nét là những vị quan chức này không “ưa” ông Tiến. Họ cho rằng từng là đối tác, bạn bè mà kiện nhau ra vòng lao lý là ông Tiến “xấu”. Những vị quan chức này (trong đó có cả những người có “nghi án” nhận quà biếu của Nguyễn Thạc Thanh) dường như quên đi rằng ông Tiến từng là vị ‘ân nhân” của Nguyễn Thạc Thanh. Và vị “đại gia Kinh Bắc” này đã “dẫm lên lưng ân nhân”, bội tín để khiến ông Tiến rơi vào đường cùng.

Vẫn tin vào công lý

Ngày kia, 25/01/2013, Tòa án Nhân dân thị xã Từ Sơn sẽ đưa vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa công ty Phú Thái và công ty Thành Công ra xét xử. Ông Tiến là nguyên đơn, công ty Phú Thái là bị đơn, Nguyễn Thạc Thanh là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng với một loạt các “tên tuổi” khác trong giới doanh nhân.

Trước đó, phiên tòa ngày 27/12/2012đã bị hoãn do nhiều nhân sự, trong đó có Nguyễn Thạc Thanh đã vắng mặt. Bần thần trước công đường, ông Tiến còn được một vị luật sư “giấu mặt” của công ty Phú Thái tư vấn cho những đường đi nước bước để giải quyết vấn đề tốt nhất. Phương án cuối cùng khả thi mà vị luật sư này “hiến kế” cho ông Tiến là dừng lại mọi việc để tập trung cho cuộc sống mới vì có đòi cũng chả còn gì ngoài mấy tờ giấy.

Nhưng ông Tiến không nản lòng, ông nói ông tin vào công lý. Ông đã ngầm điều tra và nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng, ông Tiến chắc chắn biết được những tài sản có giá trị lớn mà công ty Phú Thái đang sở hữu.

Cụ thể là: ngôi nhà D5 thuộc khu nhà ở thương mại số 319 – Lý Thường Kiệt – P5 - Q11- TP. Hồ Chí Minh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Tùng nay là Công ty cổ phần  VLCN Phú Thái,  Nguyễn Thạc Thanh đã bán ngày 08/3/2012 theo hợp đồng chuyển nhượng số 005114. Sau khi xem xét hợp đồng Thanh đã bán căn nhà này là trái quy định pháp luật, dùng tư cách cá nhân để bán tài sản của công ty, Tòa án Nhân dân thị xã Từ Sơn đã có công văn số 01/2012/CV-TA ngày 08/8/2012 đề nghị Sở Tài nguyên môi trường TP. Hồ Chí Minh, Phòng Tài nguyên môi trường quận 11 – TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân P15 quận 11- TP. Hồ Chí Minh tạm dừng sang tên trước bạ nhà đất nói trên. Ngoài tài sản trên công ty Phú Thái còn sở hữu một lô đất đẹp tại Bắc Ninh, nhà máy Bia và một số tài sản khác...

Niềm tin vào công lý của vị giám đốc doanh nghiệp vì tin bạn mà mất cả cơ nghiệp liệu có được công lý đáp đền? Câu hỏi này xin được gửi về những người “cầm cân nảy mực” tỉnh Bắc Ninh?