Nguyên lãnh đạo Vinashin bị đòi tiền bồi thường

Theo Vnexpress

6 phạm nhân từng là cán bộ lãnh đạo cao cấp tại tập đoàn Vinashin bị yêu cầu trả gần 2 tỷ đồng tiền án phí, liên đới bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng cho 6 doanh nghiệp nhà nước.

Nguyên lãnh đạo Vinashin bị đòi tiền bồi thường
Các bị cáo còn phải liên đới bồi thường tổng số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng

Ngày 21/3, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp liên ngành bàn biện pháp thống nhất chỉ đạo việc tổ chức thi hành án. Tại đây, câu chuyện về thu hồi nhiều khoản tiền tại vụ án Vinashin đã được đặt ra.

Theo bà Vũ Thị Hằng (Tổng cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp), Vinashin là vụ án lớn, phức tạp, hầu hết các đương sự đều quan chức. Theo phán quyết của 2 cấp xét xử, 6 trong 9 bị án phải án phí tổng cộng 2 tỷ đồng, liên đới bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cơ quan thi hành án nhận thấy khi xét xử, tòa án đã không áp dụng biện pháp bảo đảm tài sản của các đương sự nên hiện việc thi hành án gặp khó khăn. Cụ thể, theo bản án hình sự phúc thẩm của TAND Tối cao, ông Phạm Thanh Bình (Chủ tịch HĐTT), Trần Văn Liêm (nguyên trưởng ban kiểm soát Vinashin, nguyên giám đốc Công ty Viễn Dương) cùng liên đới bồi thường cho Vinashin hơn 991 tỷ đồng, chia đôi mỗi người một nửa.

Ông Bình cùng các ông Nguyễn Văn Tuyên (nguyên giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh), Đỗ Đình Côn (nguyên kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) liên đới bồi thường Công ty Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh gần 35 tỷ đồng....

Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng 6 doanh nghiệp là bên được thi hành án chưa có đơn yêu cầu khiến cơ quan có thẩm quyền chưa thể ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, nhận thức đây là vụ án quan trọng, Cục thi hành án dân sự Hải Phòng đã tổ chức thi hành án đối với khoản tiền án phí của các đương sự được hơn 145 triệu đồng, chi trả 5 tỷ đồng tiền bồi thường của Nguyễn Tuấn Dương (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thép Cái Lân Vinashin) cho Tập đoàn Vinashin và 1 tỷ đồng của ông Trần Quang Vũ (nguyên tổng giám đốc Vinashin, nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Nam Triệu) cho Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu.

Cuối tháng 2 vừa qua, Cục thi hành án dân sự Hải Phòng đã ủy thác toàn bộ phần thi hành án cho các chi cục thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm, huyện Từ Liêm, quận Hai Bà Trưng... của Hà Nội vì tài sản của các phạm nhân phải thi hành án phần lớn tại đây.

Bất ổn tại Vinashin được đặt ra từ cuối năm 2009 khi báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy tập đoàn này nợ gần 19.900 tỷ đồng, gấp 11 lần vốn chủ sở hữu. Đến cuối tháng 6/2010, Vinashin ra nghị quyết tái cơ cấu toàn diện. Nhưng chỉ hơn nửa tháng sau, Chủ tịch Phạm Thanh Bình đã bị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đình chỉ chức vụ.

Đến đầu tháng 7/2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật đối với ông Phạm Thanh Bình do thiếu trách nhiệm trong việc huy động, sử dụng tiền vốn. Tại thời điểm này, số nợ của Vinashin là hơn 80.000 tỷ đồng. Đến ngày 4/8/2010, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Phạm Thanh Bình do những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, khiến tập đoàn có nguy cơ phá sản.