Nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ Logistics tại Việt Nam

Công ty luật PLF

(Tài chính) Tính đến năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh hầu hết các dịch vụ Logistics ngoại trừ kinh doanh dịch vụ kiểm định, cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải và một số hạn chế đối với các dịch vụ khác liên quan đến vận tải.

Ảnh minh họa. Nguồn: plf.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: plf.vn

Ngày 22/01/2014, Thủ tướng ra Quyết định 169/QĐ-TTg  phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc nâng cao hoạt động khai khác và sử dụng hệ thống cảng biển; định hướng phát triển dịch vụ Logistics trở thành một ngành dịch vụ quan trọng tại Việt Nam, đóng góp 5-10% vào tổng thu nhập sản phẩm quốc gia trong giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời, Quyết định 169/QĐ-TTg còn đề ra những nội dung, giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, hợp tác quốc tế, chính sách hỗ trợ và xây dựng hoàn thiện cơ chế.

Dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại được quy định trong Luật Thương mại 2005, đồng thời được phân loại cụ thể trong Nghị định 140/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành năm 2007, bao gồm:

a)   Dịch vụ Logistics chủ yếu: bốc xếp, lưu giữ, kho bãi, đại lý vận tải, dịch vụ bổ trợ khác như  vận chuyển, thuê mua container,...

b)  Dịch vụ Logistics liên quan đến vận tải: hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ, đường ống, thủy nội địa.

c)   Các dịch vụ Logistics khác: kiểm tra và phân tích kỹ thuật, bưu chính, bán buôn, thương mại bán lẻ và các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.

Đồng thời, Nghị định 140/2007/NĐ-CP quy định về điều kiện cũng như giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics (bao gồm cả thương nhân nước ngoài). Thêm vào đó, Nghị định 140/2007/NĐ-CP còn quy định chi tiết về tỉ lệ góp vốn trong công ty liên doanh của nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình kinh doanh dịch vụ Logistics.

Nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như thu hút đầu tư phát triển, các quy định về tỷ lệ góp vốn (không quá 51%) của nhà đầu tư nước ngoài vào công ty liên doanh kinh doanh dịch vụ Logistics tại Việt Nam đã được chấm dứt vào năm 2012 đối với các trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải biển quốc tế; và sẽ chấm dứt kể các hạn chế về tỷ lệ góp vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài kể từ năm 2014 đối với các dịch vụ kho bãi, dịch vụ đại lý vận tải và dịch vụ bổ trợ khác theo quy định tại Nghị định 140/2007/NĐ-CP.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những dịch vụ Logistics mà hạn chế về tỷ lệ vốn góp chưa được chấm dứt, cụ thể: (i) không vượt quá 50% trong trường hợp kinh doanh dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, và (ii) không vượt quá 49% đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải thủy nội địa và dịch vụ vận tải đường sắt. Kể từ năm 2010, tỷ lệ góp vốn trong kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ đã được tăng lên nhưng không quá 51%so với những năm trước đó là 49%.

Đối với dịch vụ Logistics kiểm tra và phân tích kỹ thuật để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài được phép liên doanh sau 03 năm hoặc 05 năm đối với hình thức khác kể từ khi doanh nghiệp tư nhân được phép kinh doanh dịch vụ đó. Dịch vụ bưu chính, thương mại bán buôn và thương mại bán lẻ được thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.

Nhà đầu tư nước ngoài không được kinh doanh dịch vụ kiểm định, cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải và không được kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải khác, trừ trường hợp có quy định khác.