Nhà máy xe lửa Gia Lâm – Hà Nội: Xẻ “đất vàng” cho thuê kiếm lời tiền tỷ

Theo Pháp lý

Nhà máy xe lửa Gia Lâm được giao quản lý gần 20 ha đất phục vụ mục đích sửa chữa, đóng mới đầu máy, toa xe, máy công cụ, sản xuất phục hồi phụ tùng đầu máy, toa xe…Tuy nhiên, thay vì việc sử dụng đất sao cho hiệu quả, đúng mục đích thì đơn vị này lại mang hàng ngàn m2 đất để đi ký hợp đồng với nhiều đơn vị khác nhằm kiếm lời.

Với diện tích hơn 1.500 m2, Nhà máy xe lửa Gia Lâm cho thuê chỉ 10 triệu đồng/tháng
Với diện tích hơn 1.500 m2, Nhà máy xe lửa Gia Lâm cho thuê chỉ 10 triệu đồng/tháng

Cho thuê đất trái luật?

Nhà máy xe lửa Gia Lâm thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam được giao quản lý gần 20 ha đất tại phường Ngọc Lâm, Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội) nhằm phục vụ mục đích sửa chữa, đóng mới đầu máy, toa xe, máy công cụ, sản xuất phục hồi phụ tùng đầu máy, toa xe…Nhưng nhiều năm nay, Nhà máy xe lửa Gia Lâm thay vì tập trung vào đầu tư sản xuất, kinh doanh vào lĩnh vực chủ đạo, thì lãnh đạo NMXL lại “băm nát” hàng nghìn m2 khu “đất vàng” để cho thuê lấy tiền.

Cụ thể như khu đất tại địa chỉ 449A, 449 B phố Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm), rộng khoảng 2.391 m2 được chia nhỏ cho nhiều đơn vị, cá nhân thuê lại như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Nguyễn Văn Cừ, Nhà hàng Hùng Oanh, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng Giao thông vận tải, Trường Cao đẳng nghề Đường sắt…

Còn tại khu đất 551 Nguyễn Văn Cừ, vào thời điểm năm 1999, Sở Địa chính Hà Nội làm thủ tục cho Nhà máy xe lửa Gia Lâm thuê 122.597m2 đất làm nhà xưởng, kho bãi. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã chia gần 60.000m2 đất nhà xưởng, kho bãi cho 55 tổ chức và cá nhân thuê lại. Riêng khu đất tại địa chỉ 583 đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) với diện tích rộng hơn 1.500 m2 được Công ty TNHH thương mại Đại Cường thuê đến tận ngày 31/12/2020. Khi được Nhà máy xe lửa Gia Lâm cho thuê dài hạn, Công ty TNHH thương mại Đại Cường lại tiếp tục cho siêu thị Fivimart cùng Cửa hàng Vạn Hoa thuê lại.

“Để không cũng phí (!?)”

Đó là lời khẳng định của ông Lại Anh Vũ, Giám đốc Nhà máy xe lửa Gia Lâm khi làm việc với phóng viên Tạp chí Pháp Lý về việc cho thuê đất trái quy định của Nhà máy. Ông Vũ cho biết: “Nếu những diện tích đất này cứ để hoang như vậy, không chỉ lãng phí mà còn khiến Nhà máy xe lửa Gia Lâm thất thu hàng tỷ đồng vì khi cho thuê mỗi năm những khu đất này cũng đem lại cho Nhà máy xe lửa Gia Lâm hơn 12 tỷ đồng và với số tiền này cũng đủ để Nhà máy trả tiền thuế đất, trang trải thêm vào các khoản khác”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tháng 6/2010, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 7956/BTC-QLCS về phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Đồng thời đề nghị Tổng Cty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo Nhà máy xe lửa Gia Lâm chấm dứt ngay việc cho thuê đất trái phép trên, giữ nguyên diện tích đất để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Tuy chỉ đạo là vậy, nhưng Nhà máy xe lửa Gia Lâm vẫn “lờ” đi những văn bản này.

Cùng với đó, ngày 6.7, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng của Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang tập trung chỉ đạo Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Long Biên lập hồ sơ thu hồi đất do Nhà máy Xe lửa Gia Lâm quản lý, sử dụng không hiệu quả, vi phạm Luật đất đai. Cụ thể, tại các địa điểm: 449A và 449B Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm (2.391m2); 583 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy (1.542m2). Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất sẽ quản lý, lập phương án sử dụng hiệu quả, phù hợp với các quy định của pháp luật, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trong tháng 7/2012. “Hiện tại, tất cả các hợp đồng chúng tôi chỉ ký năm 1, thuê ngày nào thì các đơn vị trả tiền ngày đó, nếu có các dự án được triển khai, thì các đơn vị được thuê sẽ tự động giao lại mặt bằng cho Nhà máy xe lửa Gia Lâm”. Ông Lại Anh Vũ cho biết thêm
Cũng theo ông Vũ, riêng khu đất có diện tích rộng hơn 1.500 m2 tại số 583 là hệ lụy từ thời giám đốc Bùi Bá Nhuận. Sau khi ký hợp đồng từ năm 1999 đến 2004 (trước khi ông Nhuận về hưu năm 2004 – PV), lúc đó Nhà máy đang rơi vào tình trạng khó khăn nên Ban lãnh đạo Nhà máy xe lửa Gia Lâm ngày đó đã “không quên” ký phụ lục gia hạn hợp đồng với Công ty TNHH thương mại Đại Cường đến hết 31/12/2020 với số tiền “hữu nghị” chỉ 10 triệu đồng/ 1.500 m2/ tháng, đồng thời, Nhà máy xe lửa Gia Lâm nhận thanh toán tiền luôn một lần từ Công ty TNHH thương mại Đại Cường.

Mới đây, trong Công văn 409/XLGL-TCNC của Nhà máy xe lửa Gia Lâm gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị: UBND TP. Hà Nội xem xét, tạo điều kiện, tạm dừng lập hồ sơ thu hồi đất, cho Nhà máy xe lửa Gia Lâm thêm thời hạn 1 năm để khắc phục tồn tại.

Như vậy, những sai phạm đã rõ nhưng xử lý như thế nào vẫn là một bài toán khó đối với các cơ quan chức năng TP Hà Nội.