Nhà thầu thi công lập dự toán điều chỉnh bổ sung, có phù hợp?

Theo Chinhphu.vn

Ông Phạm Văn Tuấn (Ninh Bình) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số vướng mắc trong hoạt động xây dựng liên quan đến trách nhiệm lập dự toán điều chỉnh, bổ sung của nhà thầu; điều chỉnh giá hợp đồng, điều chỉnh dự toán xây dựng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ông Tuấn tham khảo Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 07/2016/TT-BXD có quy định về thủ tục, trình tự thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng như sau: “Chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt hoặc trình phê duyệt dự toán bổ sung, phát sinh (trừ trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 3) do nhà thầu lập, làm cơ sở ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng. Nhà thầu lập dự toán bổ sung, phát sinh trên cơ sở khối lượng bổ sung, phát sinh được thống nhất giữa các bên, quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các thoả thuận trong hợp đồng”.

Theo trả lời của Bộ Xây dựng, đối với trường hợp tương tự thì nhà thầu ở đây là nhà thầu thi công. Như vậy, nhà thầu thi công phải lập dự toán điều chỉnh, phát sinh trình chủ đầu tư phê duyệt. Ông Tuấn cho rằng giải thích như vậy chưa thoả đáng, dự toán bổ sung, phát sinh khi chủ đầu tư thay đổi thiết kế, hoặc không thay đổi thiết kế nhưng do tư vấn thiết kế tính sai khối lượng dẫn đến sai khối lượng hợp đồng, tất cả điều này đều không xuất phát từ phía nhà thầu thi công. Vì thế, việc yêu cầu nhà thầu lập dự toán điều chỉnh, bổ sung là không hợp lý.

Liên quan đến việc thanh toán các công tác bị cắt giảm do thay đổi thiết kế. Ông Tuấn đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn tình huống sau: Dự án làm trạm biến áp, chủ đầu tư phân ra gói thầu số 1 thi công san nền, thi công chống thấm gia cố nền trạm; gói thầu số 2 thi công trạm biến áp (móng nông). Tuy nhiên, do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công nên đã thay đổi thiết kế, bỏ thi công bước chống thấm gia cố nền trạm ở gói 1; thay vào đó là dùng móng cọc bê tông cốt thép ở gói thầu 2; dẫn đến gói thầu 1 bị giảm 30% giá trị. Ông Tuấn hỏi, vậy việc thanh toán cho nhà thầu 1 sẽ như thế nào?

Đối với công tác sơn, khối lượng sơn theo hợp đồng là 10.000m2 (phạm vi từ tầng 10-20); khi thanh toán khối lượng sơn (phạm vi tầng 10-20) là 11.000m2 thì chủ đầu tư chỉ cho thanh toán tối đa là 10.000m2 là đúng hay sai?

Về điều chỉnh giá hợp đồng, theo Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, khi tạm ứng vượt tạm ứng tối thiểu thì phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt tạm ứng điều chỉnh sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng. Ông Tuấn đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn, phần giá trị hợp đồng tương ứng này được tính như thế nào?

Về điều chỉnh dự toán xây dựng, theo Điều 11 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP, dự toán xây dựng chỉ được điều chỉnh trong trường hợp: Điều chỉnh tổng mức đầu tư; bổ sung, thay đổi thiết kế không trái với thiết kế cơ sở hoặc thay đổi cơ cấu chi phí kể cả chi phí dự phòng nhưng không vượt tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt.

Tổng mức đầu tư chỉ được điều chỉnh khi điều chỉnh dự án. Như vậy, nếu dự toán tính sai thì việc điều chỉnh dự toán được thực hiện như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Giai đoạn ông Tuấn nêu là đã hoàn thành việc thiết kế công trình, đã thực hiện thanh toán với nhà thầu tư vấn thiết kế và đang triển khai thực hiện hợp đồng (đang triển khai thi công công trình) quan hệ hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công.

Ở giai đoạn này, việc thay đổi thiết kế không có hoặc có thay đổi không lớn mang tính nhỏ lẻ, cục bộ, việc ký hợp đồng với nhà thầu tư vấn thiết kế là không khả thi. Do vậy, quy định nhà thầu thi công lập dự toán điều chỉnh bổ sung là phù hợp nhằm bảo đảm tiến độ và hiệu quả của dự án.

Việc thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết giữa các bên và phù hợp với quy định của pháp luật áp dụng cho hợp đồng và không trái với Hồ sơ mời thầu hoặc Hồ sơ yêu cầu.

Phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt mức tạm ứng tối thiểu không được điều chỉnh là phần chênh lệch giữa phần tạm ứng tối thiểu với phần tạm ứng vượt mức tối thiểu. Phần giá trị này là một phần của giá trị hợp đồng đã được ký kết giữa các bên có hiệu lực.

Theo quy định của pháp luật thì dự toán xây dựng chỉ được điều chỉnh theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Về lĩnh vực chuyên môn, khi dự toán tính sai thì phải tính lại dự toán, người và đơn vị tính sai phải bồi thường thiệt hại.