Những lưu ý về hóa đơn và chứng từ trong giao dịch tiêu dùng

Theo Nam Giang/bcd389.gov.vn

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa có thông báo lưu ý về một số vấn đề liên quan đến hóa đơn và chứng từ trong giao dịch tiêu dùng tại Việt Nam.

Trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa người tiêu dùng và bên bán, thì hóa đơn là một bằng chứng quan trọng, ràng buộc trách nhiệm của bên bán đối với bên mua. Nguồn: Internet
Trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa người tiêu dùng và bên bán, thì hóa đơn là một bằng chứng quan trọng, ràng buộc trách nhiệm của bên bán đối với bên mua. Nguồn: Internet

Vai trò của hóa đơn trong giao dịch mua bán

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hóa đơn (hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn đỏ) không chỉ là tài liệu thể hiện giá của sản phẩm/dịch vụ (gọi chung là hàng hóa), mà còn là tài liệu nhằm ghi nhận doanh số giao dịch của doanh nghiệp và là bằng chứng chứng minh người tiêu dùng đã mua hàng hóa của người bán. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa người tiêu dùng và bên bán, thì hóa đơn là một bằng chứng quan trọng, ràng buộc trách nhiệm của bên bán đối với bên mua.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào người bán cũng cung cấp hóa đơn cho người tiêu dùng, đồng thời, một số người tiêu dùng thường không có thói quen yêu cầu cung cấp hoặc thậm chí không lưu trữ hóa đơn khi được cung cấp. Điều này đã gây ra rất nhiều bất lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp cần bảo hành, khiếu nại, giải quyết tranh chấp,…

Nếu người tiêu dùng không được cung cấp hóa đơn hoặc được cung cấp nhưng không lưu giữ hóa đơn, điều này sẽ ảnh hưởng tới không chỉ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới nhiều đối tượng khác, cụ thể như sau: Không có hóa đơn đồng nghĩa với người tiêu dùng không có bằng chứng giao dịch. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, khiếu nại, người tiêu dùng có thể bị từ chối.

Điều này cũng gây ra khó khăn cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, đặc biệt là trong các vụ việc về bảo hành đồ điện tử, các vấn đề về thực phẩm,…; Hành vi không cung cấp hóa đơn của người bán góp phần làm giảm tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; Hành vi không cung cấp hóa đơn của người bán làm Nhà nước thất thu thuế.

Quy định pháp luật liên quan về hóa đơn

Việc cung cấp và sở hữu hóa đơn được quy định rất rõ trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể:

Điều 8.2: Quyền của người tiêu dùng:  Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Điều 20.1: Trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Điều 20.2: Trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch: Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng quy định về vấn đề này trong Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và dự thảo Nghị định mới về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, cụ thể như sau:

Điều 32.1: Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá.

Một số vụ việc liên quan đến hoạt động cung cấp hóa đơn

Mặc dù hóa đơn là một phần rất quan trọng trong giao dịch, nhưng người tiêu dùng và người bán thường xuyên bỏ qua bước này. Trên thực tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận một số yêu cầu tư vấn và phản ánh, khiếu nại liên quan đến hóa đơn, cụ thể như sau:

Vụ việc 01: Người tiêu dùng A mua tủ lạnh tại siêu thị điện máy X. Nhân viên siêu thị chỉ cung cấp cho người tiêu dùng hướng dẫn sử dụng sau khi mua hàng. Sau khi dùng được 02 tháng (trong thời hạn bảo hành), tủ lạnh bị hỏng. Khi liên lạc với siêu thị điện máy, người tiêu dùng bị từ chối bảo hành với lý do sản phẩm của người tiêu dùng A không liên quan đến siêu thị. Người tiêu dùng A về tìm lại hóa đơn và phiếu bảo hành thì mới phát hiện ra lúc mua hàng, nhân viên không hề cung cấp các tài liệu trên cho người tiêu dùng.

Vụ việc 02: Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị. Khi thanh toán, nhân viên siêu thị có cung cấp biên lai hàng và hướng dẫn người tiêu dùng liên hệ Phòng tài chính để lấy hóa đơn. Tuy nhiên, do cảm thấy không cần thiết nên người tiêu dùng đã xé bỏ biên lai và không lấy hóa đơn.

Trong quá trình sử dụng sản phẩm mua tại siêu thị, người tiêu dùng bị đau bụng do ăn phải thực phẩm kém chất lượng. Người tiêu dùng quay lại siêu thị để khiếu nại thì được đề nghị cung cấp biên lai hoặc hóa đơn mua hàng để nhân viên siêu thị có cơ sở kiểm tra. Người tiêu dùng không cung cấp được do đã xé bỏ biên lai và không lấy hóa đơn.

Vụ việc 03: Người tiêu dùng C phản ánh và xin tư vấn về việc đi ăn tối tại nhà hàng Z. Khi thanh toán, nhà hàng chỉ xuất biên lai cho người tiêu dùng (trong đó đã có 10% thuế VAT). Người tiêu dùng hỏi nhà hàng về việc nếu không lấy hóa đơn đỏ thì có được trừ 10% thuế VAT không. Nhà hàng cho biết trong mọi trường hợp, người tiêu dùng luôn phải thanh toán cả tiền thuế, kể cả không lấy hóa đơn. Như vậy, nếu như người tiêu dùng không lấy hóa đơn, nhà hàng hoàn toàn có thể không xuất hóa đơn. Phần tiền thuế 10%, do đó, sẽ không được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Những lưu ý cho người tiêu dùng

Trước thực trạng cả người bán và người mua đều bỏ qua hóa đơn, một yêu cầu bức thiết được đặt ra là phải chấm dứt tình trạng này. Thực tế cho thấy, muốn thay đổi phải xuất phát từ chính người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thói quen không lấy hóa đơn vì nhiều lý do như: Chỉ lấy hóa đơn khi mua vật dụng cho cơ quan, không lấy hóa đơn khi mua cho bản thân, gia đình; bất tiện khi lấy hóa đơn (khi đi ăn, đi đổ xăng, mua thực phẩm,…); phải nộp thêm 10% thuế VAT;…

Tuy nhiên, người tiêu dùng cần biết rằng hóa đơn là quyền lợi để được hưởng những chính sách sau bán hàng, và là bằng chứng đầu tiên trong giải quyết khiếu nại. Để bảo đảm quyền và  lợi ích hợp pháp của chính mình, người tiêu dùng nên thực hiện như sau:

Khi mua hàng: Rà soát các tài liệu kèm theo hàng hóa xem đã bao gồm hóa đơn chưa. Nếu chưa có, yêu cầu người bán hàng cung cấp hóa đơn; Sau khi mua hàng: Lưu giữ hóa đơn trong suốt vòng đời sản phẩm, hoặc ít nhất là đến hết thời hạn bảo hành;

Trong trường hợp người bán hàng không cung cấp hóa đơn, người tiêu dùng có thể phản ánh/khiếu nại tới: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 (miễn phí); Email: bvntd@moit.gov.vn; Hoặc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.