Chính sách tài chính đảm bảo an sinh xã hội

Trong những năm qua các văn bản pháp luật tài chính đã có những đóng góp quan trọng trong huy động nguồn lực, cơ chế quản lý, phân bổ sử dụng kinh phí triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội (ASXH). Thông qua các cơ chế, chính sách pháp luật tài chính đảm bảo điều kiện thực hiện ASXH đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội cải thiện điều kiện sống của các tầng lớp dân cư. Cơ chế tài chính ASXH giúp phân phối lại thu nhập giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa những người khoẻ mạnh và người ốm đau giữa người đang làm việc và người đã nghỉ việc; người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp; hỗ trợ người dân có việc làm, tạo thu nhập; hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các thành viên xã hội gặp khó khăn trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng; đền đáp công ơn người có công với đất nước mang lại ý nghĩa xã hội rất lớn.

An sinh xã hội có phạm vi rộng, các văn bản pháp luật tài chính được ban hành để triển khai thực hiện 4 trụ cột lớn của hệ thống này gồm: Bảo hiểm xã hội (BHXH); Bảo hiểm y tế (BHYT); Bảo trợ xã hội (BTXH); Cứu trợ xã hội (CTXH). Trên cơ sở pháp luật ASXH, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách pháp luật để triển khai thực hiện. Nhìn chung, các văn bản pháp luật tài chính thực hiện ASXH đều có những nội dung quy định về công cụ hỗ trợ, huy động nguồn lực, cơ chế quản lý, phân bổ kinh phí, mức hỗ trợ thực hiện.

Qua triển khai thực hiện chính sách ASXH cho thấy nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho ASXH tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trụ cột. Hệ thống BHXH, BHYT hoạt động thông qua quỹ BHXH, BHYT. Cả hai loại quỹ này nguồn hình thành đều có sự hỗ trợ của nhà nước. Đối với quỹ BHYT, Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý quỹ, quyết định nguồn tài chính để bảo đảm việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong trường hợp mất cân đối thu, chi quỹ bảo hiểm y tế. Với việc mở rộng đối tượng, chính sách BHYT đã góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khoẻ, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển dịch vụ phúc lợi xã hội cơ bản. Các chính sách cứu trợ đột xuất, hỗ trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, người già cô đơn, chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, cơ chế thu sử dụng học phí; hỗ trợ tiền chữa bệnh, hỗ trợ hộ gia đình mất nhà, mất tài sản, phương tiện sản xuất thiếu đói khi gặp thiên tai... đã giúp cho các đối tượng giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống. Trong lĩnh vực ưu đãi xã hôi, nhà nước đã có những chính sách đãi ngộ cả về vật chất, tinh thần nhằm ghi nhận và đền đáp công lao dối với cá nhân, tập thể có cống hiến đặc biệt cho cộng đồng xã hội. Các chính sách, chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng trợ cấp 1 lần, hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, đất ở, BHYT, miễn, giảm học phí đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ đã đi vào cuộc sống tạo sự đồng thuận của xã hội.

Chỉ tính năm 2012, ước tổng kinh phí thực hiện chính sách an sinh xã hội khoảng 32.929 tỷ đồng, bằng 35,8% tổng chi NSNN, tăng 32,2% so với thực hiện năm 2011. Trong những năm tới, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, mức sống chung toàn xã hội tăng khoảng 2,7- 2,8 lần so với năm 2010. Dự báo lực lượng lao động đến năm 2015 vào khoảng trên 50 triệu người; nguồn lực thực hiện chính sách ASXH thời kỳ 2011-2015 vào khoảng 680 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những đổi mới về chính sách tài chính và gia tăng mức tổng chi ngân sách này ngày một tăng cho ASXH thì việc thực hiện chính sách trong lĩnh vực này còn có những hạn chế. Mức độ bao phủ của bảo hiểm bắt buộc còn thấp, mới chỉ bao phủ 70% lao động thuộc diện bắt buộc tham gia, chiếm khoảng 13% dân số (từ 50 tuổi trở lên) có lương hưu. Nguy cơ mất cân đối BHXH cao, mức lương hưu thực tế còn thấp, mức độ tham gia BHXH tự nguyện thấp (sau 4 năm triển khai mới có trên 100.000 người tham gia). Phạm vi áp dụng của bảo hiểm thất nghiệp còn hẹp. Số nợ đọng BHXH lớn, việc thu hồi nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp đang là vấn đề khó khăn đối với ngành bảo hiểm.

Chính sách giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập còn chưa đủ mạnh. Mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế cơ sở, chất lượng khám, chữa bệnh còn nhiều hạn chế, chi phí y tế của hộ nghèo, các nhóm dễ bị tổn thương vượt quá khả năng tài chính của hộ. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật, lao động mất việc làm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khủng hoảng kinh tế còn chưa hiệu quả. Mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội còn thấp so với mức sống tối thiểu.

Một số kiến nghị hoàn hiện chính sách

Quan điểm chính sách an sinh xã hội giai đoạn tới

Thứ nhất: Đổi mới đồng bộ pháp luật ASXH và pháp luật tài chính. Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, BHXH, Nghị định số 67/2007/NĐ-CP; đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 80/NĐ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2020. Tiếp tục triển khai Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội giai đoạn 2010-2020, chiến lược BHXH, BHYT; đổi mới cơ chế, cơ cấu cấp và sử dụng ngân sách nhà nước cho Y tế; triển khai thực hiện đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ công. Hoàn thiện các chính sách thuế nhất là thuế thu nhập để mở rộng tham gia của người dân vào hệ thống BHXH. Bổ sung, sửa đổi các quy định về phân cấp, quản lý, sử dụng NSNN cho ASXH. Hoàn thiện đề án xác định khoản kinh phí NSNN chuyển vào BHXH bắt buộc để đóng BHXH cho thời gian làm việc trước ngày 1/1/1995 đối với người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995.

Thứ hai: Đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, đạt mức chăm sóc, giáo dục y tế tối thiểu. Hỗ trợ toàn diện, đảm bảo thu nhập cho người hết tuổi lao động, người có hoàn cảnh đặt biệt không có khả năng tạo thu nhập, hỗ trợ một phần thích hợp cho người dân gặp các rủi do, thiên tai, mất mùa... Ban hành và xây dựng hệ thống ASXH để người dân tự an sinh thông qua hệ thống BHXH, khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ ASXH.

Trong những năm tới, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, mức sống chung toàn xã hội tăng khoảng 2,7- 2,8 lần so với năm 2010. Dự báo lực lượng lao động đến năm 2015 vào khoảng trên 50 triệu người; nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội thời kỳ 2011-2015 vào khoảng 680 nghìn tỷ đồng.

Thứ ba: Để đảm bảo nguồn lực cho ASXH cần xác định rõ và cụ thể nguồn kinh phí để thực hiện chính sách ASXH bao gồm: NSNN (NSTW, NSĐP, vay nợ, viện trợ, Vốn ODA); đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu sự nghiệp; các nguồn thu hợp pháp khác... Xác định cơ cấu nguồn kinh phí thực hiện gồm: vốn đầu tư, vốn sự nghiệp; vốn trong nước, vốn ngoài nước. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện và khả năng cân đối của ngân sách hàng năm và dài hạn để quyết định phạm vi, đối tượng và thời gian thực hiện chính sách. Thực hiện rà soát hệ thống hoá quy định về ưu đãi, hỗ trợ của chính sách về thuế, ưu đãi tín dụng, tài chính đất đai…

Thứ tư: Đổi mới quy trình lập dự toán, quản lý thanh quyết toán kinh phí thực hiện ASXH, đơn giản hoá thủ tục cấp phát kinh phí. Phân bổ ngân sách cho an sinh xã hội cần tính đến đặc thù xã hội, nguồn lực và khả năng kinh phí của địa phương. Nghiên cứu để quy định tăng mức hỗ trợ chi ASXH đối với các địa phương nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách trung ương. Xây dựng cơ chế điều tiết kinh phí từ NSNN cho công tác bảo trợ xã hội hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho địa phương có nguồn thu ít và thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Kiến nghị hoàn thiện chính sách

Trong lĩnh vực BHXH: Tăng cường hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng; có sự chia sẻ hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa cá nhân, người sử dụng lao động; tăng mức độ hấp dẫn của loại hình BHXH tự nguyện theo hướng: mọi người tham gia BHXH đều được hưởng chế độ như nhau không phân biệt người tham gia BHXH bắt buộc và người tham gia BHXH tự nguyện. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện (theo tỷ lệ % nhất định trên mức đóng) để những người có thu nhập thấp, người cận nghèo, người nghèo và người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa được tham gia BHXH tự nguyện. Sửa đổi quy định của Luật BHXH về mức trợ cấp tuất hàng tháng vì quá thấp so với tuất một lần, người hưởng tuất tháng bị thiệt thòi. Quy định đối với trường hơp khi hết tuổi lao động có đủ 15 năm đóng BHXH để họ được đóng tiếp cho đến khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí không phải phải hưởng BHXH một lần.

Cần có quy định tỷ lệ % tính lãi trên số tiền chưa đóng, chậm đóng BHXH bằng mức lãi suất quá hạn vay ngân hàng tại thời điểm nộp tiền chưa đóng, chậm đóng từ 3 tháng trở lên. Hoàn thiện chính sách thuế, đặc biệt là thuế thu nhập để mở rộng sự tham gia của người dân vào hệ thống BHXH. Khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng nhà nước hỗ trợ một phần phí cho lao động có thu nhập từ trung bình trở xuống tham gia BHXH; trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi khi con cái tham gia BHXH tự nguyện. Xây dựng chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung để người lao động có thể tham gia bảo hiểm hưu trí ở mức cao hơn. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến các doanh nghiệp có qui mô dưới 10 lao động, hoàn thiện các chế độ và điều kiện hưởng BHTN.

Trong lĩnh vực BHYT: Để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năn 2020 cần nghiên cứu để quy định người nghèo được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) để không cùng chi trả 5% chi phí KCB như hiện nay. Đổi mới cơ cấu, cơ chế cấp và sử dụng ngân sách cho y tế, từng bước chuyển đổi việc cấp phát kinh phí hoạt động thường xuyên cho các cơ sở khám chữa bệnh sang cấp trực tiếp cho đối tượng hưởng thụ dịch vụ y tế do nhà nước cung cấp thông qua hình thức BHYT. Đây là giải pháp cơ bản có tác động mạnh đến việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, quyết định sớm tiến tới BHYT toàn dân. Ban hành tiêu chí người có mức thu nhập từ trung bình trở xuống để làm căn cứ nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng này tham gia BHYT góp phần thực hiện mục tiêu “đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT”.

Tiếp tục nghiên cứu nâng mức hỗ trợ từ NSNN cho các đối tượng cận nghèo học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp để các đối tượng có điều kiện tham gia BHYT. Xây dựng chính sách khuyến khích đối tượng có thu nhập dưới mức trung bình tham gia BHYT. Hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; người bị mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh gặp khó khăn chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí (đối với phần người bệnh phải đóng chi trả từ 100.000 đồng trở lên) được Nhà nước hỗ trợ thông qua Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng.

Trong lĩnh vực BTXH: Đối với chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng, nhà nước hỗ trợ toàn bộ cho người không có khả năng lao động để có thu nhập tối thiểu hàng tháng và nâng mức trợ cấp đối với các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội. Xây dựng mức sống tối thiểu làm căn cứ để xác định đối tượng và mức hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên. Kịp thời sửa đổi bổ sung Nghị định 67/2007/NĐ-CP và Nghị định 13/2009/NĐ-CP để mở rộng đối tượng tham gia theo hướng tiếp tục nghiên cứu giảm dần tuổi hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi không có thu nhập và không được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống ở tuổi thấp hơn nữa đến năm 2020. Đối với kinh phí tặng quà, chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi, đề nghị tiếp tục hỗ trợ 100% đối với địa phương nhận cân đối trên 70% tổng chi. Chuyển một bộ phận người nghèo không có khả năng tạo thu nhập sang hưởng chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên. Mở rộng các hình thức hỗ trợ phi chính thức ở cộng đồng, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm giúp các địa phương bổ sung nguồn lực và hỗ trợ kịp thời khi bị rủi ro đột xuất. Hình thành quỹ dự phòng trợ giúp đột xuất tại các địa phương, cho phép cấp xã chủ động thành lập quỹ với sự đóng góp của người dân trên địa bàn, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Có giải pháp tạo nguồn tài chính, huy động nguồn lực xã hội hoá để điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội khi có đủ điều kiện cần thiết.

Nâng mức trợ cấp ưu đãi người có công để nâng cao đời sống của họ, đảm bảo kinh phí thực hiện chính sách nhà ở người có công; nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho người nghèo, người có công với cách mạng, người tàn tật, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác phù hợp với tỷ lệ trượt giá.

Pháp luật tài chính đối với an sinh xã hội: Một số ý kiến hoàn thiện

ThS. NGUYỄN THỊ HOÀNG YẾN - Đại học Lao động - Xã hội

(Tài chính) Dự báo lực lượng lao động của nước ta đến năm 2015 vào khoảng trên 50 triệu người; nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội thời kỳ 2011-2015 vào khoảng 680 nghìn tỷ đồng. Để hướng tới hệ thống an sinh xã hội bền vững, cần nghiên cứu đổi mới chính sách phân bổ nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, xây dựng hoàn thiện cơ chế khuyến khích huy động nguồn lực từ người dân và cộng đồng cho an sinh xã hội.

Xem thêm

Video nổi bật