Quy định về trả lương theo mức lương tối thiểu vùng

Luật sư Trần Văn Toàn - Văn phòng Luật sư Khánh Hưng

(Tài chính) Bà Nguyễn Nga (ngahonam@...) đang làm việc tại một Công ty nhà nước đóng trên địa bàn TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh và hưởng mức lương hệ số 4,2 theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định. Công ty đã áp dụng mức lương 1.900.000 đồng nhân với hệ số 4,2 để tính lương cho bà Nga.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bà Nga được biết, theo Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp thì, TP. Uông Bí thuộc vùng III, mức lương tối thiểu vùng là 2.100.000 đồng. Bà Nga hỏi, công ty áp dụng trả lương cho bà như trên có đúng không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Nga như sau:

Quy định về mức lương tối thiểu vùng

Ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 182/2013/NĐ-CP, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2013. Mức lương tối thiểu vùng Nghị định này được áp dụng từ ngày 1/1/2014.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định này quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp như sau:

- Mức 2.700.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

- Mức 2.400.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

- Mức 2.100.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

- Mức 1.900.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc vùng IV.

Điều 4 Nghị định số 182/2013/NĐ-CP quy định, mức lương tối thiểu vùng quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này là cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương bảo đảm:

- Mức lương tính theo tháng trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

- Mức lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này, doanh nghiệp xác định, điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương của doanh nghiệp và mức lương ghi trong hợp đồng lao động của người lao động cho phù hợp với quy định của pháp luật lao động.

Theo Phụ lục Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2014 ban hành kèm theo Nghị định số 182/2013/NĐ-CP thì các TP. Hạ Long, Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh thuộc vùng II. Các thành phố trực thuộc tỉnh còn lại thuộc vùng III. Theo đó thành phố Uông Bí thuộc tỉnh Quảng Ninh thuộc địa bàn vùng III. Mức lương tối thiểu tại địa bàn vùng III là 2.100.000 đồng.

Việc xây dựng thang lương, bảng lương mới

Trước ngày 1/7/2013, công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, các tổ chức, đơn vị của Nhà nước, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đã xếp lương theo thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, áp dụng mức lương tối thiểu chung do nhà nước quy định từng thời kỳ làm chuẩn nhân với hệ số lương để trả lương.

Ngày 14/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động (năm 2012) về tiền lương. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7 /2013. Các quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 1/5/2013.

Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương; Nghị định số 205/2004/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định số 49/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định một trong các nguyên tắc xây dựng thang lương bảng lương do doanh nghiệp xây dựng là áp dụng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định từng thời kỳ làm chuẩn nhân với hệ số lương của bậc trong thang lương, bảng lương (khác với thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP lấy mức lương tối thiểu chung làm chuẩn).

Điểm đ, khoản 2 Điều 10 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, các tổ chức, đơn vị của Nhà nước, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hiện đang xếp lương theo thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ thực hiện việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định này, bảo đảm quan hệ hợp lý về tiền lương giữa các loại lao động trong công ty và các ngành nghề; chuyển xếp lương đối với người lao động từ thang lương, bảng lương do Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP sang thang lương, bảng lương do công ty ban hành.

Trường hợp bà Nguyễn Nga đang làm việc tại 1 Công ty nhà nước được xếp lương hệ số 4.2 theo thang lương, bảng lương do Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP. Nếu thực hiện việc trả lương theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP thì số tiền lương tháng bà được hưởng bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) nhân với hệ số lương (1.150.000 dồng x 4,2 = 4.830.000 đồng).

Nay theo quy định mới tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp cần phải xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương mới  để chuyển xếp lương đối với người lao động từ thang lương, bảng lương do Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP sang thang lương, bảng lương do công ty ban hành. Do mức lương tối thiểu vùng cao hơn mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở), trong khi quỹ tiền lương của doanh nghiệp được xác định theo hạn mức. Vì vậy để áp dụng mức lương tối thiểu vùng làm chuẩn, mà không làm vỡ quỹ tiền lương, doanh nghiệp cần phải hạ hệ số lương mỗi bậc xuống theo tỷ lệ tương ứng.

Theo đó, tiền lương bà Nga được tính theo công thức: lương tối thiểu vùng III là 2.100.000 đồng, nhân với hệ số lương mới theo thang lương bảng lương do doanh nghiệp ban hành, bằng 4.830.000 đồng/tháng. Suy ra, hệ số lương mới của bà Nga theo thang lương, bảng lương mới do doanh nghiệp ban hành bằng 2,3 là phù hợp

Doanh nghiệp nơi bà Nga làm việc tại TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thuộc địa bàn vùng III mức lương tối thiểu vùng III là 2.100.000 đồng, mà  áp dụng mức lương tối thiểu vùng IV là 1.900.000 đồng là không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 182/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng IV là 1.900.000 đồng nhân với hệ số 4,2 (theo thang lương bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP) để trả lương cho bà Nga  bằng 7.980.000 đồng là có lợi cho bà Nga và cao hơn 3,8 lần mức lương tối thiểu vùng III.