Quyền lợi của người mua bảo hiểm khi Doanh nghiệp bảo hiểm phá sản?

PV.

Theo Điều 77 Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn duy trì khả năng thanh toán, đảm bảo vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định tại Điều 94, phải sử dụng một phần vốn điều lệ để ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại Điều 95 Luật Kinh doanh bảo hiểm, phải trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại Điều 96 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Luật kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tuân thủ quy định, các văn bản hướng dẫn thi hành và pháp luật có liên quan trong suốt quá trình hoạt động.

Đối với khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm kịp thời khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo quy định tại Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Đồng thời, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được thành lập theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 123/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 101/2013/TT-BTC  ngày 30/7/2013 hướng dẫn  việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán theo quy định tại Điều 97 Luật Kinh doanh bảo hiểm và Khoản 11, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm .

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài (trừ doanh nghiệp tái bảo hiểm) phải trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được sử dụng kể từ thời điểm Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản quy định tại Điều 103 và Điều105 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Hạn mức chi trả tối đa của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng, tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 107 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Để nhận thực hiện thủ tục chi trả từ Quỹ bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm gửi Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ bao gồm: Văn bản đề nghị sử dụng Quỹ theo mẫu do Bộ Tài chính quy định; Văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về phương án phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm đã được thực hiện xong (đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản); Bảng thống kê danh sách người được bảo hiểm và các hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ yêu cầu chi trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài để xác định chính xác số tiền chi trả; Xây dựng phương án chi trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường; Thông báo công khai việc chi trả cho người được bảo hiểm.