Rủi ro trong giao kết hợp đồng vay tiền theo Bộ luật dân sự 2015

Công ty Luật PLF

Khi gặp khó khăn trong việc vay ngân hàng, doanh nghiệp thường đi vay tiền cá nhân hay doanh nghiệp khác, kéo theo nhiều rủi ro cho cả hai bên do không hiểu rõ quy định về hợp đồng vay tiền.

Nếu không có thỏa thuận thì bên vay không phải trả lãi cho khoản chậm trả.
Nếu không có thỏa thuận thì bên vay không phải trả lãi cho khoản chậm trả.

Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 (BLDS 2005) đang được thi hành, sẽ được thay thế bởi Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 (BLDS 2015) có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Về cơ bản, pháp luật dân sự tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, nhưng các bên phải tuân theo những quy định chung của pháp luật. Theo đó, tuy là cho vay là hoạt động không thường xuyên của doanh nghiệp nhưng lại mang đến nhiều rủi ro pháp lý  và thương mại cho doanh nghiệp.

Không bắt buộc có lãi vay

Một số doanh nghiệp hiểu nhầm là hợp đồng vay tiền bắt buộc phải có lãi suất, dẫn đến tâm lý ngại vay tiền của đối tác hay bạn hàng. Việc có lãi vay hay không là phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên khi vay tiền, nên doanh nghiệp hoàn toàn có thể ký hợp đồng vay không lãi suất.

Thỏa thuận mức lãi vay trong giới hạn

Nếu các bên có thỏa thuận về mức lãi thì mức lãi này bị giới hạn. Doanh nghiệp lưu ý giới hạn lãi suất vay có sự thay đổi trong quy định của pháp luật.

Theo BLDS 2005, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Việc xác định lãi xuất trần khá phức tạp đối với doanh nghiệp, dẫn đến các bên thường thỏa thuận lãi suất quá cao hoặc quá thấp.

Theo BLDS 2015, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Có thể thấy, mức lãi tăng lên nhiều so với quy định cũ; thế nên phụ thuộc vào khả năng tài chính và mức độ tin tưởng giữa các bên, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ về mức lãi suất vay trong hợp đồng vay.

Quy định mới cũng bổ sung chế tài trong trường hợp lãi suất thỏa thuận vượt quá 20%/năm, thì mức lãi này không có hiệu lực, và các bên sẽ áp dụng mức lãi trong mức giới hạn của luật định.

Trả lãi chậm trả là bắt buộc

Khi doanh nghiệp cho vay không có lãi, chủ yếu là sự hỗ trợ, giúp đỡ của bên cho vay với bên vay, nên rất hiếm trường hợp các bên thỏa thuận về việc trả lãi đối với khoản nợ chậm trả khi đến hạn. Tuy nhiên, các bên cũng cần lưu ý kể cả khi không có thỏa thuận, pháp luật vẫn có quy định đối với khoản tiền chậm thanh toán, trong trường hợp vay không có lãi:

Theo BLDS 2005,nếu không có thỏa thuận thì bên vay không phải trả lãi cho khoản chậm trả.

Theo BLDS 2015, khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất 10% (được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn).

Áp dụng mức lãi chậm trả theo thỏa thuận

Đối với trường hợp doanh nghiệp cho vay có lãi, quy định pháp luật thay đổi theo hướng có lợi hơn cho bên cho vay tiền, cụ thể như sau:

Theo BLDS 2005, dù các bên có thỏa thuận về mức lãi chậm trả, thì vẫn áp dụng theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Theo BLDS 2015,khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi theo lãi suất vay trong hợp đồng chứ không theo lãi suất cơ bản như BLDS 2005:

Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất 10% (được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn).

Nếu không có thỏa thuận, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả.

Có thể thấy tiền lãi bên vay phải trả theo BLDS 2015 lớn hơn so với quy định cũ do lãi suất các bên thỏa thuận thường cao hơn lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước.