“Rút ruột” ngân hàng, hai cô cháu tù nặng

Theo Pháp luật Việt Nam

Lợi dụng vị trí là giao dịch viên và thủ quỹ của Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thường Tín, Hà Nội (Agribank Thường Tín), Nguyễn Thị Nhung (SN 1965, trú tại Thường Tín) và Ngô Thị Mỹ Liên (SN 1980, trú tại Hà Đông) cùng nhau tất toán “khống” sổ tiết kiệm của khách hàng để rút và chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng…

“Rút ruột” ngân hàng, hai cô cháu tù nặng
Hai bị cáo tại phiên tòa ngày 5/6. Nguồn: Phapluatvn.vn

Nhân viên ngân hàng “thay mặt” khách rút tiền tiết kiệm

Vụ án được khởi tố điều tra từ chính đề nghị của Agribank Thường Tín khi vào tháng 4/2011, cơ quan này có công văn gửi cơ quan Công an về việc Nhung và Liên đã chiếm đoạt tiền bằng cách lập chứng từ khống để rút tiền bằng sổ tiết kiệm của khách hàng.

Theo quy định thì một bộ chứng từ của một giao dịch tất toán tiền gửi của khách hàng (rút gốc và lãi) phải gồm: Sổ tiết kiệm; Phiếu hạch toán; Thẻ lưu; Bảng kê lĩnh tiền của khách hàng…Tuy nhiên, qua điều tra, CQĐT đã làm rõ Nhung và Liên đã tất toán “khống” (không có đầy đủ hồ sơ theo quy định mà chỉ hạch toán trên hệ thống quản lý dữ liệu tập trung - chương trình IPCAS) 10 sổ tiết kiệm của khách hàng, rút tiền sử dụng với mục đích cá nhân.

Tại CQĐT và tại phiên tòa hôm qua (5/6), Nhung thừa nhận, các khách hàng trên đều không có mặt, không mang sổ tiết kiệm đến, không có CMTND…nhưng bị cáo, với tư cách là giao dịch viên, đã lập phiếu hạch toán và giả chữ ký, chữ viết của khách hàng rồi chuyển cho bị cáo Liên, với tư cách là thủ quỹ, làm thủ tục chi tiền.

Để cân đối quỹ vào cuối ngày giao dịch, che giấu việc rút tiền, các bị cáo đã lập sổ tiết kiệm khống, rút khoản tiền chệnh lệch rồi sau đó lại tiếp tục tất tất toán những Sổ tiết kiệm khống mới mở.

Đơn cử như vụ rút tiền vào ngày 14/1/2011, hai bị cáo đã truy cập vào hệ thống quản lý dữ liệu của ngân hàng bằng tên và mật khẩu của Nhung để tất toán khống hai sổ tiết kiệm của khách hàng hơn 1,54 tỷ đồng.

Để che giấu, Liên và Nhung đã lập 2 hồ sơ khách hàng gửi tiền tiết kiệm khống với số tiền hơn 1,36 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch giữa việc rút tiền và gửi tiền khống này là 184 triệu đồng bị Nhung chiếm đoạt qua việc thu, chi tại quầy.

Bốn ngày sau, Liên tiếp tục tất toán 1 trong 2 sổ tiết kiệm khống nêu trên với giá trị trên 800 triệu đồng rồi lại sử dụng 1 phần số tiền này để lập mới sổ tiết kiệm cho 1 khách hàng từng bị tất toán khống trước đó.

Đúng 1 tháng sau, Liên truy cập vào hệ thống quản lý dữ liệu bằng tên và mật khẩu của mình rồi làm thủ tục tất toán sổ tiết kiệm khống còn lại. Liên đã giả chữ ký của khách hàng tại phiếu hạch toán, sổ tiết kiệm, bảng kê các loại tiền rồi ra quầy lĩnh tiền tại Quỹ. Lần đó, Liên chiếm đoạt 560 triệu đồng cả gốc và lãi.

Sai phạm liên tiếp trong thời gian dài

Quá trình điều tra, CQĐT đã làm rõ, trong thời gian từ 14/1 đến 12/2/2012, hai bị cáo đã rất toán khống 10 sổ tiết kiệm của khách hàng để chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng (Nhung 3,5 tỷ; Liên 2,5 tỷ ). Tính đến phiên tòa sơ thẩm thì gia đình bị can Nhung đã khắc phục được hơn 1,6 tỷ đồng, gia đình bị cáo Liên khắc phục được hơn 2,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo nội dung cáo trạng thì việc tất toán khống không chỉ xảy ra từ tháng 1/2011 mà từ trước đó 3 tháng, 2 bị cáo đã tất toán trót lọt nhiều trường hợp và đã kịp hợp thức hóa nên không bị khách hàng khiếu kiện.

Đơn cử như 1 khách hàng (tên Bích) đã bị tất toán khống hơn 300 triệu đồng vào ngày 29/12/2010 nhưng đến ngày 19/1 đã được Nhung dùng số tiền trong số 1,5 tỷ vừa tất toán khống được để lập mở, lập sổ tiết kiệm mới (hợp thức bằng việc, gọi điện cho chị Bích đến để “đổi sổ tiết kiệm”).

Hay như vào ngày 4 - 5/11/2010, có 3 khách hàng đã bị tất toán khống hơn 720 triệu nhưng đến ngày 17/1/2011 đã được Nhung và Liên lập sổ tiết kiệm mới, tính lãi ngoài rồi bổ sung chứng từ, hợp thức hóa cho việc tất toán khống ngày 4 - 5/11/2010.

Tại Tòa, Nhung cho hay: “Ngân hàng có biết việc thiếu chứng từ trong giao dịch (tất toán) của bị cáo và đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu bị cáo hoàn tất và bổ sung chứng từ nhưng bị cáo đều khất lần. Đến khi bị thúc giục nhiều lần và khách hàng kêu nhiều quá nên bị cáo đã buộc phải báo cáo sự thật với  ngân hàng”.

Trong khi đó, Liên cũng khai: “Nhung gặp khó khăn về tài chính và bị nhiều chủ nợ kéo đến nhà đòi nợ từ năm 2009. Cơ quan cũng biết việc này nên không cho phép Nhung sử dụng hệ thống IPCAS để phát hành số tiết kiệm cho khác hàng. Chính vì vậy mà việc phát hành số tiết kiệm thường dùng tên và mật khẩu truy cập của bị cáo”.

Liên còn “khen” đồng phạm, “cô Nhung là người thật thà, là người tốt nên bị cáo muốn giúp cô ấy qua thời điểm khó khăn”. Không biết sự “giúp đỡ” của Liên ra sao nhưng chỉ biết rằng, từ sự “giúp đỡ” này mà cả hai bị cáo đã càng sa lầy vào việc chiếm đoạt tiền hơn nữa.

Nếu không có sự câu kết của hai cô - cháu bị cáo này, đồng thời, có sự giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời hơn từ phía ngân hàng đối với nhân viên của mình, liệu số tiền chiếm đoạt trong vụ việc này có lên tới 6 tỷ đồng?.

Liên và Nhung đều không lý giải được về việc đã sử dụng  số tiền chiếm đoạt được vào việc gì. Nhung khai: “Bị cáo không mua sắm tài sản, không chi tiêu cho gia đình, không đánh bạc, không cho người khác vay lại” và “bị cáo không thể chứng minh được số tiền chiếm đoạt được đã đi đâu”.

Tại phiên tòa hôm qua, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nhung 20 năm tù, Liên 16 năm tù về tội “tham ô tài sản”.