Tai nạn lao động ngoài giờ làm việc

Công ty Luật PLF

(Tài chính) Bất kể công việc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn cho người lao động. Nhưng để nhận biết được tai nạn nào là tai nạn lao động, đặc biệt khi tai nạn xảy ra ngoài giờ làm việc là điều không hề đơn giản.

Tai nạn lao động ngoài giờ làm việc
Bất kể công việc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn cho người lao động. Nguồn: plf.vn

Bộ luật Lao động 2012 (sau đây gọi là BLLĐ) quy định tai nạn lao động là những “tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”. Quy định trên không những áp dụng cho người lao động mà còn áp dụng cho cả người học nghề, tập nghề và thử việc.

Để làm rõ quy định trên, Nghị định 45/2013/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 45) hướng dẫn tai nạn xảy ra trong “thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc” cũng được xem là tai nạn lao động.

Bên cạnh đó, Nghị định 45 cũng chỉ ra rằng “tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý” (khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở) cũng được xem là tai nạn lao động. Theo Nghị định 152/2006/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 152), thời gian“hợp lý” là thời gian để người lao động đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Nghị định 152 không quy định về địa điểm hợp lý xảy ra tai nạn mà lại quy định tuyến đường hợp lý xảy ra tai nạn. Theo đó, tuyến đường hợp lý là tuyến đường mà người lao động thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.

Ngoài ra, theo Nghị định 152, tai nạn xảy ra ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi người lao động đang thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động cũng có thể được coi là tai nạn lao động.

Vì vậy có thể nói, tai nạn lao động không chỉ là tai nạn xảy ra tại nơi làm việc của người lao động mà còn có thể mở rộng ra là những tai nạn người lao động gặp phải ngoài giờ và nơi làm việc nhưng với điều kiện việc xảy ra tai nạn này gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động trong khoảng thời gian và không gian hợp lý.

Trường hợp người lao động gặp phải tai nạn lao động, người sử dụng lao động theo quy định của BLLĐ phải có trách nhiệm thanh toán chi phí điều trị và trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động nếu người lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị. Ngoài ra, nếu người lao động bị tai nạn lao động không do lỗi của họ và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, thì người sử dụng lao động phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với mức suy giảm khả năng lao động của người lao động. Mức bồi thường cụ thể sẽ được căn cứ theo quy định của pháp luật.