Trường hợp nào được thanh toán lương dạy thêm giờ?

Luật sư Trần Văn Toàn - Văn phòng Luật sư Khánh Hưng

(Tài chính) Ông Trương Công Thưởng hỏi: Một giáo viên trong tổ ngoại ngữ của trường tôi phải nghỉ dạy hơn 10 tuần do bị tai nạn, Ban Giám hiệu đã phân công giáo viên trong tổ dạy thay. Vậy, các giáo viên dạy thay có được hưởng tiền lương theo Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC không? Nếu được tính thì tiền lương 1 giờ dạy được tính như thế nào?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo trả lời của Ban Giám hiệu nhà trường thì trường hợp này không tính tiền lương dạy thêm giờ, vì tính theo năm học, các giáo viên đang dạy không đủ số tiết quy định. Ông Thưởng muốn biết, giải thích đó có trái với quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC nêu trên không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Thưởng hỏi như sau:

Ngày 8/3/2013, Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 22/4/2013 và thay thế Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC.

Theo khoản 1 Điều 2 và Điều 3, Thông tư số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, giáo viên phổ thông đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông được hưởng tiền lương dạy thêm giờ khi đã hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, các nhiệm vụ công tác khác theo chế độ làm việc quy định tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo, bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Năm học quy định tại Thông tư liên tịch này được tính từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 của năm liền kề.

Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.

Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch này không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.

Cách tính tiền lương dạy thêm giờ

Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định công thức tính tiền lương dạy thêm giờ như sau:

- Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 1 giờ dạy thêm.

- Tiền lương 1 giờ dạy thêm = Tiền lương 1 giờ dạy x 150%.

- Tiền lương 1 giờ dạy (bình thường) đối với giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông

Tiền lương 01 giờ dạy

 

=

Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học
_______________

Định mức giờ dạy/năm

 

x

Số tuần dành cho giảng dạy
_____________

52 tuần

 - Định mức giờ dạy/năm của giáo viên phổ thông = [Định mức tiết dạy (tiêu chuẩn giờ/tuần)] x (Số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học);

Theo khoản 2, Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT, thì số tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học của giáo viên trung học cơ sở là 37 tuần. Định mức tiết dạy trong một tuần của giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết.

Như vậy:

- Định mức giờ dạy/năm của giáo viên trung học cơ sở là: 19 tiết x 37 tuần = 703 tiết

- Tiền lương 1 giờ dạy của giáo viên trung học cơ sở là:

Tiền lương 01 giờ dạy

 

=

Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học
____________

703 giờ

 

x

37 tuần
_____________

52 tuần


- Tiền lương 1 giờ dạy thêm = Tiền lương 1 giờ dạy x 150%

Đề nghị ông Thưởng và các giáo viên tổ ngoại ngữ tại trường đối chiếu quy định nêu trên để biết và áp dụng công thức tính tiền lương dạy thêm giờ đối với giáo viên kể từ năm học 2013 – 2014.

Về việc Ban Giám hiệu nhà trường trả lời do giáo viên dạy không đủ định mức giờ dạy/năm nên khi được bố trí dạy thay giáo viên khác thì không được trả tiền lương dạy thêm giờ. Theo luật sư, có thể do bộ môn được biên chế thừa số lượng giáo viên, nên trong năm học không bố trí được cho giáo viên dạy đủ số giờ dạy theo định mức giờ dạy/năm (703 tiết đối với giáo viên trung học cơ sở), như vậy số giờ được bố trí dạy thay giáo viên nghỉ ốm đau, tai nạn cộng lại với số giờ dạy được bố trí trong năm học mà dưới hoặc bằng định mức giờ dạy/năm thì không được tính là dạy thêm giờ.

Việc này không trái với quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, bởi lẽ chỉ khi được bố trí dạy vượt số giờ theo định mức/năm thì mới được coi là dạy thêm giờ.