Trường hợp nào phải áp dụng biện pháp nhận biết khách hàng để phòng chống rửa tiền?

PV.

(Tài chính) Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2012 và có hiệu lực từ 1/1/2013, đây là luật mới trong khi tội phạm rửa tiền có rất nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gây nhiều nguy hiểm đối với nền kinh tế.

Ngày 04/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2013/NĐ-CP (Nghị định 116) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền về các biện pháp phòng, chống rửa tiền, thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.

Nghị định 116 gồm 31 điều, được thể hiện trong 5 chương, có hiệu lực từ ngày 10/10/2013, thay thế Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền.

Đối với quy định về trường hợp phải thực hiện biện pháp nhận biết khách hàng tùy theo từng đối tượng cung ứng dịch vụ, Nghị định 116 quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất, tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau: (i) khi khách hàng lần đầu mở tài khoản, bao gồm tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, tài khoản thẻ và những tài khoản khác; (ii) khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính nhằm sử dụng sản phẩm, dịch vụ do tổ chức tài chính cung cấp; (iii) khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn (giao dịch của khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản thanh toán nhưng không giao dịch trong vòng 6 tháng trở lên với tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày); (iv) khi thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu thông tin về người khởi tạo; (v) khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; (vi) khi nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.

Thứ hai, tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng, casino phải tiến hành các biện pháp nhận biết khách hàng đối với khách hàng có giao dịch tài chính với tổng giá trị từ 60 triệu đồng trở lên trong một ngày.

Thứ ba, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản và sàn giao dịch bất động sản phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với bên mua, bên bán trong hoạt động môi giới bất động sản; chủ sở hữu tài sản trong việc cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản.

Thứ tư, tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý và đá quý phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong trường hợp khách hàng có giao dịch bằng tiền mặt mua, bán kim loại quý, đá quý có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày.

Thứ năm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công chứng, kế toán; dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi thay mặt khách hàng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giao dịch hoặc thay mặt khách hàng thực hiện giao dịch chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; dịch vụ quản lý tiền, chứng khoán hoặc các tài sản khác của khách hàng; dịch vụ quản lý tài khoản của khách hàng tại ngân hàng, công ty chứng khoán; dịch vụ điều hành, quản lý hoạt động công ty của khách hàng; tham gia vào hoạt động mua, bán các tổ chức kinh doanh.

Thứ sáu, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với bên ủy thác.

Thứ bảy, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp văn phòng đăng ký, địa chỉ hoặc địa điểm kinh doanh; cung cấp dịch vụ đại diện cho doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng sử dụng hoặc yêu cầu các dịch vụ đó.

Thứ tám, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cung cấp giám đốc, thư ký giám đốc của doanh nghiệp cho bên thứ ba phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với bên thứ ba và giám đốc hoặc thư ký giám đốc đó.

Thứ chín, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cung cấp người đại diện cho cổ đông phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với cổ đông và người đại diện cho cổ đông đó.