Từ 1/1/2018, nhiều vi phạm trong đấu thầu bị xử lý hình sự

Theo Hoàng Diên/baodauthau.vn

Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự 2015) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Với chế tài mới, tại Điều 222 của Bộ luật, “tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ bị xử lý hình sự.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sự nối tiếp, đồng bộ về chế tài

Liên quan đến tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Điều 222 của Bộ luật đã quy định rõ các mức độ xử lý vi phạm như: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (Khoản 1); bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm (Khoản 2); bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (Khoản 3); và người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 4).

Việc Bộ luật Hình sự có quy định tại Điều 222 về “tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” chính là sự nối tiếp quy định tại Điều 90 của Luật Đấu thầu 2013 và tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý hành vi tiêu cực cũng như răn đe đối với các đối tượng thực hiện hành vi tiêu cực trong đấu thầu.

Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 kết hợp với Điều 89 và Điều 90 của Luật Đấu thầu đã tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật từ hành chính đến hình sự quy định về cùng một vấn đề. Và nội dung quy định đã rất rõ, nên theo các chuyên gia, khi Bộ luật có hiệu lực thi hành là có thể áp dụng ngay mà không phải chờ thêm hướng dẫn. 

Chế tài nặng “chữa bệnh” nhờn luật, lách luật

Trong thời gian qua, thông qua đường dây nóng, Báo Đấu thầu đã tiếp nhận phản ánh của nhà thầu và bạn đọc về nhiều vụ việc có các dấu hiệu sai phạm trong công tác đấu thầu.

Qua phản ánh của nhà thầu và sự vào cuộc làm rõ của Báo Đấu thầu cho thấy, có nhiều dấu hiệu về tình trạng “nhờn luật”, cố tình “lách luật” hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu. Phổ biến là tình trạng không tuân thủ quy định về công bố thông tin đấu thầu, né tránh bán hồ sơ mời thầu (HSMT); cài cắm tiêu chí trong HSMT để tạo thuận lợi cho nhà thầu “ruột”, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu lạ; cản trở nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), làm rõ mang tính chiếu lệ các kiến nghị của nhà thầu…

Ngoài ra, có khá nhiều quan ngại về tình trạng “vận dụng” quy định của pháp luật về đấu thầu để chỉ định thầu hoặc áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu cho các trường hợp đặc biệt mà thực ra là một sự “lòng vòng” để rồi chỉ định thầu những gói thầu lớn không thuộc trường hợp được chỉ định thầu. Cùng với đó là hàng loạt trường hợp chỉ định thầu hoặc thường xuyên chỉ có 1 nhà đầu tư lọt qua bước sơ tuyển tại các dự án PPP để rồi được chỉ định thầu khiến dư luận nghi ngại, bức xúc.

Với chế tài mới tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 tới đây, nếu các cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, thì người nào thực hiện một trong những hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;… gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, với quy định “người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây…”, nghĩa là bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, bao gồm cả nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, những người có thẩm quyền,… nếu có thực hiện các hành vi được liệt kê tại Khoản 1 Điều 222 nêu trên thì đều là đối tượng điều chỉnh của Điều này.

Đặc biệt, Khoản 2 Điều 222 nêu rõ: Phạm tội thuộc một trong những trường hợp: “Vì vụ lợi; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng” thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.

Liên quan đến việc áp dụng cơ chế đặc thù trong đấu thầu và những quan ngại về “vận dụng” pháp luật đấu thầu để “lòng vòng” rồi chỉ định thầu, ông Tăng chia sẻ: “Nếu cá nhân nào làm không đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, nếu giao thầu không theo quy định của Luật Đấu thầu, không đúng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thì với chế tài nêu trên, có thể dẫn đến bị phạt tù”.

Ông Tăng nhấn mạnh: Với chế tài như vậy, cơ quan bảo vệ pháp luật đã có đủ cơ sở để “tìm đến” các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm, bao gồm cả những người làm cơ quan công quyền và cơ quan tư vấn. Vì Bộ luật Hình sự lần này quy định “người nào” có nghĩa là không giới hạn về cấp bậc, đối tượng, chức vụ, quyền hạn…