Vụ chiếm dụng nhà dân: ACB bất tuân pháp luật?

Theo nguoiduatin.vn

Sau thông tin về việc Ngân hàng ACB cố tình chiếm dụng nhà của người dân, một số chuyên gia, luật sư cho rằng, cơ quan được giao thực thi việc này phải quyết liệt hơn để ACB phải trả nhà ngay cho người dân.

Vụ chiếm dụng nhà dân: ACB bất tuân pháp luật?
Việc chây ỳ, cố tình chiếm dụng nhà dân có ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của ACB. Nguồn: internet

Bội tín

Ngay khi có quyết định trả nhà của Bộ Xây dựng và UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Toại - phó TGĐ Ngân hàng ACB phát biểu công khai trên báo chí khẳng định: Căn nhà 446 - 448 Nguyễn Thị Minh Khai do ngân hàng thuê lại của công ty Quản lý Kinh doanh nhà thành phố. UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu ACB phải trả lại nhà cho chủ cũ thì ngân hàng sẽ nghiêm chỉnh thực hiện theo đúng chủ trương của Nhà nước, thế nhưng sau đó ngân hàng cố tình trì hoãn chiếm dụng nhà, không giao trả.

Bức xúc trước thái độ bội tín của Ngân hàng ACB, gia đình bà Khanh làm đơn khiếu nại khắp nơi yêu cầu trả nhà, ngày 22/06/2012 UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 4732/VP-PCNC giải quyết khiếu nại của bà Vương Thị Khanh do ông Đặng Đình Thịnh ủy quyền tiếp tục chỉ đạo các sở ngành hữu quan, báo cáo đề xuất Ủy ban thành phố biện pháp tổ chức thực hiện quyết định trả nhà của bộ Xây dựng.

Để chống chế, Ngân hàng ACB tiếp tục có công văn đề nghị tòa án công nhận hợp đồng thuê bằng giấy tay ký ngày 13/10/2011 giữa TGĐ ngân hàng ACB  Đỗ Minh Toàn và ông Nguyễn Đắc Quang và buộc gia đình bà Khanh phải thanh toán trước cho Ngân hàng ACB 3.346.000.000 vnđ, tiền mà Ngân hàng ACB đã bỏ ra để tu sửa trong quá trình đầu tư kinh doanh.

Không chấp nhận những yêu cầu vô lý trên, ngày 15/12/2012 phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín có văn bản số 6497/UBND-PCNC giao cho Sở Xây dựng, UBND quận 3, công ty Quản lý Kinh doanh nhà thành phố thanh lý hợp đồng thuê với Ngân hàng ACB, bàn giao nhà cho bà Vương Thị Khanh hoặc đại diện hợp pháp của bà Vương Thị Khanh theo đúng quyết định trả nhà của Bộ Xây dựng đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân quận 3 cấp giấy chủ quyền căn nhà nêu trên cho gia đình bà Vương Thị Khanh.

Tiếp tục không chấp hành chỉ đạo của UBND thành phố, ngày 27/2/2013, tổng giám đốc Ngân hàng ACB Đỗ Minh Toàn tiếp tục có công văn số 1364 gửi tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị giữ nguyên hiện trạng căn nhà hiện nay cho đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án cấp có thẩm quyền. 

Cái lý mà tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn đưa ra là không biết giao nhà cho ai vì theo Quyết định số 546/QĐ của Bộ Xây dựng nêu hủy bỏ việc xác lập sở hữu nhà Nhà nước giao trả nhà cho bà Khanh do ông Đặng Đình Thịnh đại diện theo ủy quyền (ông Đặng Đình Thịnh là người thay mặt cho gia đình bà Khanh đi khiếu nại đòi lại căn nhà nêu trên - PV) có thể hiểu nhầm là giao trả nhà cho ông Thịnh. Trong khi đó, bà Đặng Thu Hà - giám đốc phòng kinh doanh vàng và ngoại hối Ngân hàng ACB, người cấu kết với ông Nguyễn Đắc Quang ký giấy tay mua nhà cũng đòi bàn giao nhà cho bà ta. Bà Nguyễn Thị Bích Phượng - đại diện hợp pháp cho gia đình bà Khanh cũng đề nghị giao nhà.

Nhận thấy những lý lẽ mình đưa ra không thuyết phục, lãnh đạo Ngân hàng ACB lại đưa ra cớ mới cho rằng, mặt bằng trên là Hội sở giao dịch chính của Ngân hàng ACB, bàn giao nhà trong thời điểm này là nhạy cảm sẽ gây ngộ nhận tiêu cực cho khách hàng ảnh hưởng đến Ngân hàng ACB nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng cho rằng phần diện tích ACB đang sử dụng tại địa điểm trên không phải là tài sản của ACB. Do vậy việc thanh lý hợp đồng thuê, bàn giao mặt bằng lại cho công ty Quản lý Kinh doanh nhà thành phố không tạo ra thông tin tiêu cực. Ngân hàng chỉ bàn giao mặt bằng cho công ty Quản lý Kinh doanh nhà, không phải bàn giao cho chủ sở hữu. Do đó việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến căn nhà và việc ACB phải bàn giao diện tích nhà đất là hai vụ việc khác nhau.

Chuyện đã rõ mười mươi

Trao đổi với chúng tôi, luật sư, tiến sỹ Nguyễn Đăng Liêm, hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định, thành viên hội Luật châu Á cho rằng sự việc đã quá rõ. Hiện nay, mấu chốt vấn đề là sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh và công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP. Hồ Chí Minh phải quyết liệt thực thi các quyết định của bộ Xây dựng và UBND TP. Hồ Chí Minh trong việc thanh lý hợp đồng thuê nhà và giao nhà. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm về một số tình tiết trong vụ việc này.

Theo đó, khi có quyết định giao trả nhà của Bộ Xây dựng, con trai bà Khanh là ông Nguyễn Đắc Quang theo ủy quyền của bà Khanh tiến hành thủ tục khai di sản thừa kế. Ngày 4/7/2011, Văn phòng công chứng trung tâm của Ngân hàng ACB ban hành văn bản khai nhận di sản thừa kế thông báo căn nhà số 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK), Q.3, chỉ thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Đắc Quang và bà Vương Thị Khanh thì luật sư Liêm cho rằng, nó hoàn toàn không có giá trị và có dấu hiệu cố ý làm trái quy định pháp luật. Bởi, ngoài ông Quang và bà Khanh còn có nhiều người con khác được hưởng di sản căn nhà số 446-448 NTMK. Hơn nữa, trước đó bà Khanh và các đồng thừa kế khác đã khiếu nại, gửi thông báo hủy bỏ toàn bộ việc ủy quyền cho ông Quang.

Vậy nhưng, Văn phòng công chứng trung tâm của Ngân hàng ACB vẫn cố tình công chứng sai giúp ông Quang biến hóa tài sản của gia đình thành tài sản riêng của mình để cấu kết ngầm với bà Đặng Thu Hà - giám đốc phòng kinh doanh vàng và ngoại hối Ngân hàng ACB ký hợp đồng với ông Nguyễn Đắc Quang sang nhượng bằng giấy tay căn nhà 446-448 NTMK với giá 250 tỷ đồng và đưa tay 210 tỷ đồng tiền cọc trong khi người bán không có tư cách pháp lý, nhà đã bị tòa án TP. Hồ Chí Minh, thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh phong tỏa cấm chuyển dịch là điều không thể tin được.

Không muốn bàn cụ thể về vụ việc này nhưng ông Nguyễn Quang Thắng, phó chủ tịch Thường trực hội Công chứng TP. Hồ Chí Minh nói về những nguyên tắc, tính pháp lý và vấn đề đạo đức trong công tác công chứng cho rằng, luật Công chứng đã quy định rõ ràng và chặt chẽ.

Theo đó, chỉ công chứng những giao dịch hợp pháp, đối tượng giao dịch là có thực. Nếu biết những giao dịch không hợp pháp nhưng công chứng viên vẫn xác nhận thì đó là cách làm ẩu và vi phạm pháp luật. Công chứng là cơ quan trọng tài thực thi pháp luật nhưng xem thường pháp luật, cố ý làm trái pháp luật sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

ACB nói gì?

Chúng tôi cũng đã tới Hội sở ngân hàng ACB để liên hệ và mong muốn được nghe ý kiến về vụ việc này từ ACB, thế nhưng không thấy hồi âm. Liên hệ qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Toại - phó tổng giám đốc ACB cho biết, có nghe nhân viên báo cáo nhưng không muốn bình luận vệ việc này. "Nếu các anh muốn viết tiếp thì cứ viết, chúng tôi không có ý kiến", ông Toại nói qua điện thoại.