Vụ “dùng sổ đỏ giả vay ngân hàng“ ở Yên Hưng có sự “bao che“?

Theo Pháp luật Việt Nam

VKSND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định giải quyết khiếu nại nhưng sau nửa năm vẫn không hề gửi cho người khiếu nại. Cho rằng, VKS có sự bao che cho hành vi vi phạm nên không dám công khai quyết định, người dân đã bức xúc “tố” tới báo Pháp luật Việt Nam (PLVN).

Vụ “dùng sổ đỏ giả vay ngân hàng“ ở Yên Hưng có sự “bao che“?
Ảnh minh họa. Nguồn:internet

Không tống đạt vì sợ bị kiện?

Như PLVN thông tin, tháng 10/2011, vợ chồng ông Bùi Quang Xuân, bà Hoàng Thị Khánh (ở thôn Chùa Bằng, thị trấn Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) mua của vợ chồng ông Vũ Văn Cảnh và bà Đào Thị Thu Hằng (Khu Rặng Thông, thị xã Quảng Yên) ngôi nhà trên diện tích 726m2 với số tiền 2 tỷ đồng.

Tháng 11/2011, hai bên làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Phòng Công chứng số 3 tỉnh Quảng Ninh. Vợ chồng bà Khánh được giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP093712.

Khi bà Khánh làm thủ tục sang tên tại Phòng Nhà đất huyện Yên Hưng, cán bộ địa chính huyện không chấp nhận giao dịch và hủy luôn sổ đỏ này vì đây là sổ đỏ giả. “ Cán bộ địa chính là anh Đào Xuân Trường đã mang ra một sổ đỏ khác của chính mảnh đất tôi mua, nhưng đứng tên Vũ Viết Thuận, là bố ông Cảnh. Tôi hoàn toàn bất ngờ trước việc một mảnh đất có tới hai sổ đỏ” - bà Khánh giải thích lý do không được sang tên.

Không chuyển nhượng được, ông Cảnh còn “ôm” luôn 2 tỷ đồng tiền mua nhà đất của bà Khánh. Hành vi lừa đảo đã rõ ràng nhưng cơ quan Cảnh sát điều tra công an thị xã Quảng Yên lại kết luận: “Việc chuyển dịch tài sản từ anh Cảnh sang bà Khánh chưa thực hiện được do chưa được UBND thị xã Quảng Yên chuyển quyền sử dụng vì thửa đất trên không thuộc sở hữu của Vũ Văn Cảnh... Anh Cảnh chưa có khả năng thanh toán, trả nợ cho bà Khánh. CA thị xã Quảng Yên xác định hành vi của anh Cảnh, chị Hằng không đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như tố cáo”.

Dù vợ chồng bà Khánh có đề nghị làm rõ trách nhiệm của UBND huyện Yên Hưng cấp sổ đỏ sai và hành vi lừa đảo của ông Cảnh nhưng cơ quan CSĐT CA thị xã Quảng Yên chỉ trả lời nội dung thứ hai với kết luận như đã nêu trên. Cho rằng có sự bao che, vợ chồng bà Khánh tiếp tục khiếu kiện .

Mới đây, VKSND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định giải quyết khiếu nại nhưng cũng lờ trách nhiệm của cơ quan cấp sổ đỏ và kỳ lạ hơn, quyết định giải quyết khiếu nại này không hề được gửi cho vợ chồng bà Khánh. Trao đổi với báo PLVN, bà Khánh bức xúc cho rằng: “Tôi đã nhiều lần đến VKSND tỉnh để hỏi nhưng đều không có kết quả trả lời. Văn phòng và bảo vệ của cơ quan này đều nói lãnh đạo đi vắng, không tiếp. Nhưng tôi được biết VKSND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định trả lời khiếu nại của tôi nhưng họ cất trong tủ không gửi cho tôi. Tôi biết rằng họ sợ tôi sẽ tiếp tục khiếu nại vì quyết định này vẫn bao che cho hành vi vi phạm cho các đối tượng trong vụ việc này”.

Sổ đỏ giả không có lỗi của cán bộ?

Quyết định giải quyết khiếu nại của VKSND tỉnh Quảng Ninh được ký từ tháng 9/2012 nhưng đến nay vợ chồng bà Khánh chưa hề được biết nội dung. Tuy nhiên, phóng viên đã có được trong tay bản quyết định này. Đúng như bà Khánh nghi ngờ có sự bao che cho vi phạm, quyết định này chỉ ra được anh Cảnh đã tự ý làm thủ tục chuyển tên sổ đỏ từ bố mình sang cho anh Cảnh là sai nhưng không hề chỉ ra ai đã làm giả sổ đỏ.

“Việc anh Cảnh chuyển tên từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Vũ Viết Thuận sang anh Cảnh là trái pháp luật” - quyết định nêu.

Kết luận như vậy chẳng khác nào đẩy hết lỗi về phía người dân, nhưng không ai tin ông Cảnh tự “chế” ra được sổ. Phải có sự tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền, nhưng thật khó hiểu, trách nhiệm của các cán bộ này không hề được nhắc đến trong kết luận của cơ quan điều tra và VKS. Chưa có cơ quan nào trả lời sổ đỏ được cấp đúng hay sai qui trình, nhưng lại cho rằng ông Cảnh không lừa đảo là không có căn cứ, không thuyết phục. 

Bằng chứng ngay trên sổ đỏ cho thấy, sổ đỏ này được… cấp “chui”:  Sổ đỏ “xịn” được cấp cho bố ông Cảnh vào ngày 28/11/2007, số seri AP 093715; còn sổ đỏ giả cấp cho ông Cảnh sau đó 2 năm (ngày 9/12/2009) nhưng số seri lại có trước AP 093712?. Đây là bất hợp lý mà chỉ có Phòng TN&MT huyện Yên Hưng mới lý giải được.

Ngoài ra, trước khi bán cho bà Khánh, ông Cảnh đã thế chấp sổ đỏ giả vay các ngân hàng tới 4 lần, các lần thế chấp này đều có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Yên Hưng, do Giám đốc Nguyễn Văn Bốn ký. Vậy, có sự tiếp tay trong việc dùng sổ đỏ giả đi vay ngân hàng hay không?.

Nhận định về những chi tiết bất thường này, luật sư Nguyễn Thị Phượng, Cty TNHH Luật Đại Việt, cho rằng: “Theo dõi vụ việc này, tôi thấy cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ được hành vi cấp sổ đỏ của UBND huyện Yên Hưng cho ông Cảnh sai như thế nào, từ đó mới có căn cứ khẳng định ông Cảnh lừa đảo hay không. Nếu ông Cảnh biết giả mà vẫn dùng sổ đỏ đi vay ngân hàng, đem đất bán thì đó là lừa đảo. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cấp sai qui trình cũng phải chịu trách nhiệm”.

Tuy vậy, vợ chồng bà Khánh vẫn chưa thể kiện được tiếp vì vẫn phải chờ trả lời của VKSND tỉnh Quảng Ninh một cách đúng pháp luật…