Vụ kiện công ty con của UDIC: Nguyên đơn bật khóc, bị đơn cố tình trì hoãn

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Uất ức vì đã nộp 11 tỷ đồng để được quyền mua căn hộ, nhưng nhà không thấy, tiền góp vốn cũng có nguy cơ mất trắng, bà Phạm Đặng Diệp Linh và ông Trần Bình An đã bật khóc tại phiên tòa khi được chủ tọa hỏi lý do khởi kiện.

Bà Phạm Đặng Diệp Linh (giữa) bật khóc trước tòa. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Bà Phạm Đặng Diệp Linh (giữa) bật khóc trước tòa. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Ngày 27/3, phiên xét xử sơ thẩm vụ khách hàng kiện Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội (UAC - công ty con của Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC) lại bị hoãn vì luật sư và đại diện ủy quyền của Công ty UAC liên tục yêu cầu và đưa ra lý do trì hoãn phiên tòa.

Trước đó, ngày 19/3/2014, Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã phải hoãn lần 1 phiên xét xử vụ kiện của khách hàng đối với UAC để đòi số tiền góp vốn mua nhà tại Dự án N04 Trần Duy Hưng lên đến 12,2 tỷ đồng, bao gồm tiền gốc (11 tỷ đồng) và tiền lãi.

Nguyên nhân việc hoãn phiên tòa do phía đại diện bị đơn, cũng như phần lớn các bên có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan vắng mặt. Tại phiên xét xử sáng 27/3/2014, đại diện bị đơn phía Công ty UAC và các đại diện doanh nghiệp (DN) liên doanh chủ dự án N04 Trần ,Duy Hưng đều có mặt. Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Mai, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên đại diện pháp luật của Công ty UAC, người trực tiếp ký hợp đồng với phía nguyên đơn là bà Phạm Đặng Diệp Linh và ông Trần Bình An vẫn vắng mặt không có lý do.

Mặc dù có mặt tại phiên tòa, song ngay từ đầu, đại diện ủy quyền của Công ty UAC, đại diện ủy quyền của Tổng công ty UDIC và phía luật sư bảo vệ quyền lợi của bị đơn đều yêu cầu hoãn phiên tòa để chờ kết luận của phía cơ quan điều tra về hành vi của bà Mai.

Đặc biệt, ông Nguyễn Minh Anh, luật sư bảo vệ quyền lợi phía bị đơn là Công ty UAC còn đề nghị hoãn phiên tòa vì lý do phía luật sư… chưa có đủ thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ việc.

Cho rằng các lý do yêu cầu dừng phiên xét xử do lỗi chủ quan của phía bị đơn, vì thế, đại diện Tòa án quận Hai Bà Trưng tiếp tục tiến hành phiên xử sơ thẩm đối với vụ kiện Công ty UAC.

Không thể hoãn được phiên xét xử, phía đại diện Công ty UAC đã yêu cầu được giám định phiếu thu tiền của khách hàng và giám định cả con dấu trên hợp đồng, dù trước đó, theo yêu cầu của tòa, các bên đều không yêu cầu phải tiến hành các giám định. Đặc biệt, sau khi Tòa đã thẩm vấn các bên liên quan, đại diện Viện Kiểm sát bất ngờ kiến nghị hoãn phiên tòa để chờ kết quả điều tra của Công an TP. Hà Nội, vì cho rằng vụ việc có dấu hiệu của một vụ án hình sự.

Chiều qua, tại phần kết luận phiên sơ thẩm vụ khách hàng kiện pháp nhân Công ty UAC, đại diện Tòa án quận Hai Bà Trưng đã bất ngờ tuyên bố hoãn phiên tòa, với lý do phía bị đơn yêu cầu giám định tài liệu.

Việc hoãn phiên tòa cũng được đại diện Tòa án quận Hai Bà Trưng lý giải để chờ xác minh việc Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Phương Mai, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty UAC hay chưa.

Luật sư Phạm Thành Tài (Công ty Luật Phạm Danh), đại diện bảo vệ quyền lợi phía khách hàng giữ nguyên quan điểm cho rằng: Vụ khách hàng khởi kiện pháp nhân Công ty UAC là một vụ án dân sự, trong khi vụ việc nguyên Chủ tịch HĐQT Nguyễn Phương Mai bị tố chiếm đoạt tài sản Công ty UAC là hai vụ việc hoàn toàn khác nhau, không có liên quan. Vì thế, việc đại diện Viện Kiểm sát yêu cầu hoãn phiên tòa vì có yếu tố hình sự là không căn cứ theo quy định của pháp luật.

Về yêu cầu giám định chữ ký, con dấu vào phút chót của Công ty UAC, luật sư Tài cho rằng, đây thực chất chỉ là lý do trì hoãn phiên tòa của Công ty UAC. Bởi trước đó, theo yêu cầu của Tòa, các bên nguyên đơn và bị đơn đều không có yêu cầu giám định. Mặt khác, chính nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty UAC là bà Nguyễn Phương Mai trước đó cũng thừa nhận, bà chỉ giả mạo chữ ký của thủ quỹ và kế toán trưởng, còn lại chữ ký Chủ tịch và con dấu trên hợp đồng đều là thật.