Xét xử vụ mạo danh đại lý bảo hiểm Prudential

Theo congly.com.vn

(Tài chính) Ngày 7/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng mua bảo hiểm đối với Bùi Thị Thu Hằng cùng 16 đồng bọn về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với số tiền lên tới 230 tỷ đồng của 59 người bị hại.

Bùi Thị Thu Hằng và các bị cáo tại phiên tòa. Nguồn: internet
Bùi Thị Thu Hằng và các bị cáo tại phiên tòa. Nguồn: internet

Thủ đoạn gian manh

Như  đã đưa tin, theo hồ sơ vụ án: tháng 8/2009, Bùi Thị Thu Hằng được làm đại lý của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (gọi tắt là Công ty Bảo hiểm Prudential). Trong quá trình thực hiện công việc đại lý, tháng 4/2010, Hằng thấy một số người tham gia mua bảo hiểm Prudential phàn nàn về việc thời gian đóng bảo hiểm quá dài và có nguyện vọng mua loại bảo hiểm có thời hạn ngắn hơn, chóng thu hồi vốn nên Hằng đã nảy sinh ý đồ làm các bộ hợp đồng bảo hiểm và chứng từ, hồ sơ liên quan để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Từ tháng 4/2010, Hằng đã có hành vi giả mạo là trưởng phòng kinh doanh, sau đó giả làm "giám đốc văn phòng phát triển kinh doanh khu vực Quảng Ninh", thuê nhà làm trụ sở văn phòng và lôi kéo chồng cùng một số đối tượng ngoài xã hội tham gia lừa đảo. Ban đầu, Hằng tổ chức bán gói bảo hiểm "Phú an khang hưu trí" với phí khoảng 100 triệu đồng để mỗi tháng, người mua được nhận lương chuyển vào tài khoản cá nhân từ 4 - 5,5 triệu đồng, tiếp đến Hằng chào bán các "Hợp đồng VIP" (hay còn gọi gói "Bảo hiểm VIP" ) có thời hạn 90 ngày với lãi suất cao lên tới 50%.

Hằng đã sử dụng một số phiếu thu thật của Công ty Prudential phát cho Hằng và đại lý Hằng quen biết để viết phiếu thu tiền của người mua loại hình bảo hiểm mà Hằng tự đặt ra, như phiếu thu số 6710444, 6710445, 7078532…để thu của khách hàng từ 35 - 70 triệu đồng/phiếu.

Để tránh bại lộ và sự ngăn chặn từ Công ty Prudential, từ ngày 13/5/2010 đến 2/8/2010, Hằng liên tục báo về Công ty về việc bị mất nhiều quyển phiếu thu tạm thời do Công ty phát cho đại lý. Nhu cầu ngày càng lớn và thấy không thể tiếp tục sử dụng các phiếu thu và mẫu hồ sơ do chính Công ty bảo hiểm Prudential phát hành nên Hằng đã thuê người dùng công nghệ chụp quét ảnh Scan, tạo phôi hình ảnh mẫu làm giả các mẫu phiếu thu và mẫu hồ sơ của Công ty bảo hiểm Prudential để sử dụng, nhờ đó chỉ một thời gian ngắn đã chiếm đoạt số tiền “khủng” của rất nhiều nạn nhân.

Đặc biệt Hằng cùng đồng bọn đã mạo danh Công ty đứng ra tổ chức "Lễ tri ân khách hàng" tại các khách sạn lớn sang trọng bậc nhất ở Hạ Long, cùng với các hoạt động làm từ thiện ở trường học, thưởng khuyến mãi có giá trị như xe ô tô, xe máy, đi du lịch trong và ngoài nước... để thu hút nhiều người tham gia, tin tưởng bỏ ra nhiều tỷ đồng để mua loại hình "Bảo hiểm VIP".    

Các nhân viên của Hằng, theo thỏa thuận khi thu được tiền của khách hàng, Hằng thưởng luôn 10% giá trị hợp đồng nhưng phải trích lại 15% số tiền được thưởng đó để Hằng lập và duy trì 104 bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm mang tên các khách hàng và mang tên các nhân viên của Hằng.

Tổng số có đến 59 nạn nhân với số tiền chiếm đoạt trên địa bàn Quảng Ninh lên tới 230 tỷ đồng, Bùi Thị Thu Hằng được xem là “siêu lừa” làm chấn động dư luận xã hội. Tại Tòa, Hằng không thể chối tội và thừa nhận với những thủ đoạn có tính toán kỹ lưỡng rất cao tay, Hằng đã biến các khách hàng ham lãi suất cũng như Công ty Prudential trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo “khủng” có một không hai đến thời điểm này.

Tranh cãi về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Bùi Thị Thu Hằng và các bị cáo khác đã lợi dụng danh nghĩa của Prudential, tự đặt in ấn và sử dụng tài liệu giấy tờ giả mạo, gian dối  để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người bị hại. Đây là các hành vi phạm pháp của cá nhân Bùi Thị Thu Hằng cùng những bị cáo khác và đương nhiên phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên ý kiến của các nạn nhân cũng như luật sư bảo vệ quyền lợi phía người bị hại cho rằng, các hồ sơ của Hằng sử dụng được lập bằng biểu mẫu yêu cầu bảo hiểm và phiếu thu tiền do Công ty bảo hiểm Prudential phát hành cho đại lý (hồ sơ thật). Với thủ đoạn này, Hằng không những che đậy được hành vi lừa đảo của mình mà còn được Công ty bảo hiểm Prudential vinh danh trong "Bảng vàng Prudential Việt Nam" là đại lý có doanh thu cao nhất miền Bắc và là đại lý có số hợp đồng nhiều nhất miền Bắc. Vì vậy phía Công ty Prudential phải có trách nhiệm xem xét bồi thường thiệt hại.

“Hiện nay nhiều gia đình đã mất trắng nhà cửa, lâm vào cảnh nợ nần chỉ vì tin vào thương hiệu Prudential mà thôi. Công ty bảo hiểm Prudential nói không có trách nhiệm với những nạn nhân của chính đại lý công ty gây nên là cách nói thiếu trách nhiệm…” - Bà Ngô Thu Hương, một bị hại ở TP. Hạ Long nói.

Tuy nhiên Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Chủ tịch Hội đồng Thành viên- Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự) khẳng định: “Cá nhân làm thì cá nhân phải chịu trách nhiệm. Không thể ràng buộc công ty phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi phạm pháp của cá nhân ngoài hoạt động của công ty”.

Được biết, trước đó, Công ty bảo hiểm Prudential đã nhận hỗ trợ cho những nạn nhân của Hằng 30 triệu đồng/người. Tuy nhiên ý kiến của người bị hại viện dẫn Điều 88 Luật Kinh doanh bảo hiểm để cho rằng do bị cáo Hằng là đại lý của Prudential nên khi đại lý gây thiệt hại thì Prudential phải có trách nhiệm bồi thường chứ không phải chỉ là “hỗ trợ”.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng: Phân tích quy định trong Điều 88 Luật Kinh doanh bảo hiểm nêu trên thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải chịu trách nhiệm về các hợp  đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp với những người được bảo hiểm khi đã chấp nhận bảo hiểm và hai bên đã ký kết hợp đồng bảo hiểm.

“Trong vụ án này, Prudential không và chưa bao giờ ký hợp đồng bảo hiểm với người bị hại. Những người bị hại không có bằng chứng về việc Prudential đã chấp nhận bảo hiểm với họ (Hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm). Bị cáo Hằng và các bị cáo khác đã mạo nhận danh nghĩa Prudential tự in ấn các hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, phiếu thu tiền... giả mạo để bán các sản phẩm do các bị cáo nghĩ ra nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bị hại chứ không phải Prudential nhận tiền của người bị hại. Như vậy, việc viện dẫn Điều 88 Luật Kinh doanh bảo hiểm để cho rằng Prudential phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng đại lý Bùi Thị Thu Hằng là không đúng, không có cơ sở pháp lý” - Luật sư Bách phân tích.

Đồng thời Luật sư Bách nói rõ hơn: cần hiểu rằng trong vụ án này thì chính Prudential cũng là một bị hại do các hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo gây ra.  Cần xác định Prudential cũng là một bị hại chứ không phải là một bị đơn dân sự hay người phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả do Hằng gây ra.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhận định của Luật sư Bách là có cơ sở và phù hợp với diễn biến vụ án, đó là ngay khi biết được bị cáo Hằng lợi dụng danh nghĩa của Prudential để thực hiện các hành vi phạm pháp nhằm lừa đảo chiếm đoạt, Prudential đã làm đơn tố cáo và cùng hợp tác chặt chẽ với Cảnh sát điều tra để đưa Hằng ra trước cơ quan pháp luật. Cũng chính vì vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 41 và khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự hiện hành thì chính người phạm tội chiếm đoạt phải có trách nhiệm trả lại hay bồi thường cho những người bị hại số tiền (tài sản) chiếm đoạt. Những người bị hại trong vụ án này có quyền yêu cầu bị cáo Hằng và các bị cáo khác phải hoàn trả lại tài sản bị chiếm đoạt. Nếu tài sản bị chiếm đoạt đã bị thất thoát thì các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại…

Phần tranh tụng chắc chắn sẽ “diễn biến nóng” để làm rõ những vấn đề trên. Theo dự kiến, Hội đồng Xét xử sẽ tuyên án các bị cáo vào ngày 17/10 tới. Báo Công lý tiếp tục theo dõi và cập nhật diễn biến phiên tòa khi có tình tiết mới.