Xử lý thế nào đối với những khoản vay bằng tín chấp?

Công ty Luật Vinlawyer & Cộng sự

Nền kinh tế ngày càng mở cửa hội nhập sâu rộng góp phần thúc đẩy lưu lượng dòng tiền trong xã hội luôn luôn được luân chuyển. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc vay mượn xảy ra nhiều hơn và việc đòi lại các khoản vay, trong đó có khoản vay tín chấp cũng phức tạp hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Có một thực tế rằng những khoản vay bằng tín chấp để lấy lại được số tiền mà mình đã cho vay là cả một vấn đề, mà ở đó nguy cơ không đòi lại số tiền đã cho vay là rất cao.

Nhiều luật sư có kinh nghiệm tranh vấn đề xử lý nợ xấu cho biết, nhiều khi việc chỉ muốn lấy lại một phần từ khoản cho vay này cũng không hề đơn giản. Vậy tại sao việc đòi lại khoản vay tín chấp lại khó khăn và trắc trở đến vậy?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đòi lại khoản vay bằng tín chấp không thể đòi được đó là:

+ Kinh doanh, buôn bán thua lỗ không còn đủ khả năng để trả nợ.

+ Người vay nợ có khả năng trả nợ nhưng lại viện dẫn nhiều lý do để thoái thác nghĩa vụ của mình (không muốn trả nợ).

Với đối tượng kinh doanh buôn bán làm ăn thua lỗ dẫn đến không còn khả năng trả nợ, thì việc hoàn trả lại khoản vay là rất khó khăn, khi người vay không còn tài sản để hoàn thành nghĩa vụ của mình cho chủ nợ. Điều đó đồng nghĩa kể cả việc chủ nợ làm bất cứ biện pháp gì thì họ cũng không thể trả được.

Trong thực tế khi khách hàng đến nhờ luật sư xử lý vụ việc của khách hàng để thu hồi khoản nợ, khi xác minh con nợ không có khả năng trả nợ thì nên đề nghị khách hàng đến thương lượng với con nợ nhằm tái cơ cấu lại khoản nợ đó, hoàn thiện hồ sơ vay nợ gia hạn cho con nợ khoảng thời gian hợp lý để con nợ có đủ thời gian, khả năng để khắc phục.

Với trường hợp đối tượng vay nợ có khả năng trả nhưng viện dân nhiều lý do để thoái thác nghĩa vụ của mình thì việc thu hồi khoản nợ xấu chỉ là vấn đề thời gian. Khi xác minh được tài sản của người vay đủ khả năng hoàn trả nghĩa vụ vay nợ của mình, luật sư đề nghị khách hàng kết hợp với đưa ra các biện pháp để xử lý triệt để khoản nợ trên như: Thương lượng với con nợ đưa ra những cơ sở pháp lý, chứng cứ có sức nặng để yêu cầu con nợ phải thanh toán khoản nợ ngay lập tức; Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp tiến hành thu hồi khoản nợ...

Việc thu hồi các khoản vay bằng tín chấp là điều rất khó khăn, đòi hỏi những luật sư nhiều kinh nghiệm để xử lý vấn đề này. Trong giai đoạn hiện nay, các khoản vay bằng tín chấp là rất nhiều, việc một bộ phận người cho vay không có niềm tin vào cơ quan tiến hành tố tụng nên đã nhờ các đối tượng đòi nợ thuê thu hồi những khoản vay bằng tín chấp cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khi các đối tượng đi đòi nợ thuê manh động làm người cho vay phải vướng vào vòng lao lý.

Thực tiễn đã kiểm chứng khi trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn hay đăng tin việc các đối tượng đi đòi nợ thuê đòi nợ bằng bạo lực. Từ đó, cho thấy chúng ta phải có những điều chỉnh đối với các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như nâng cao nghiệp vụ đối với đội ngũ luật sư để đảm bảo các giao dịch dân sự phải được đảm bảo trên cơ sở pháp luật.