Vấn đề pháp lý về quyền ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 Tháng 5/2020

Quyền ưu tiên cùng với hiệu lực đối kháng lần đầu tiên được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự 2015. Quy định này cho phép bên nhận bảo đảm, chính mình được quyền ưu tiên thanh toán trên tài sản bảo đảm và được quyền ưu tiên thanh toán so với các chủ thể có quyền khác đối với tài sản bảo đảm dựa vào hiệu lực và hiệu lực đối kháng của giao dịch bảo đảm được xác lập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích một số nội dung về quyền ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm như khái quát chung về quyền ưu tiên thanh toán tài sản bảo đảm, điều kiện phát sinh quyền ưu tiên và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015. Trên cơ sở phân tích và so sánh với Bộ luật Dân sự Pháp và Nhật Bản, bài viết rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về quyền ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm.

Khái quát chung về quyền ưu tiên thanh toán tài sản bảo đảm

Tài sản bảo đảm tạo ra sự an toàn cho chủ nợ khi người mắc nợ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ. Pháp luật cho phép cưỡng chế trên tài sản bảo đảm như là một biện pháp hữu hiệu giúp chủ nợ thu hồi được nợ ngay cả khi người mắc nợ có khả năng nhưng không thực hiện nghĩa vụ. Tài sản bảo đảm trở thành đối tượng hạn chế giao dịch với bên thứ ba nhằm để phục vụ cho việc xử lý nợ. Chủ nợ được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 (BLDS 2015) không đưa ra khái niệm về quyền ưu tiên mà quyền ưu tiên được đề cập trong trường hợp có nhiều chủ nợ bảo đảm khác nhau đối với cùng một tài sản. Khi đó, quyền ưu tiên chỉ dành cho các chủ nợ có bảo đảm với nhau, không được xem xét cho các khoản cần thanh toán khác của người có nghĩa vụ.

Theo Điều 303 Bộ luật Dân sự Nhật Bản, quyền ưu tiên là quyền bảo đảm bằng tài sản và thể hiện bằng việc người có quyền, trong một số nghĩa vụ do luật định, được ưu tiên đáp ứng quyền của mình từ tài sản nhất định của người mắc nợ. Điều 2095 Bộ luật Dân sự Pháp, quyền ưu tiên là quyền của người có quyền được ưu tiên thanh toán nghĩa vụ trước những người có quyền khác, kể cả người có quyền đã nhận thế chấp.

Pháp luật các nước phủ nhận sự bình đẳng giữa các chủ nợ trong giao dịch bảo đảm nhằm tăng cường sự bảo vệ cho các chủ nợ trong giao dịch bảo đảm đã được xác lập trước đó, thể hiện sự tôn trọng của các chủ nợ hình thành sau này. Quy định này nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng cho các chủ nợ. Những thông tin này giúp cho các bên quyết định chính xác nội dung giao dịch sao cho phù hợp với ý chí của mình. Những giao dịch này là hợp pháp và bắt buộc các bên phải tôn trọng, kể cả bên thứ ba.

Có thể thấy, không chỉ riêng ở Việt Nam, việc pháp luật các nước phủ nhận sự bình đẳng giữa các chủ nợ trong giao dịch bảo đảm nhằm tăng cường sự bảo vệ cho các chủ nợ trong giao dịch bảo đảm đã được xác lập trước đó, đồng thời thể hiện sự tôn trọng của các chủ nợ hình thành sau này. Quy định này nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng cho các chủ nợ. Bởi lẽ, khi xác lập giao dịch bảo đảm, các bên tham gia chỉ có thông tin về tài sản bảo đảm kể từ thời điểm xác lập trở về trước. Những thông tin này giúp cho các bên quyết định chính xác nội dung giao dịch sao cho phù hợp với ý chí của mình. Những giao dịch này là hợp pháp và bắt buộc các bên phải tôn trọng kể cả bên thứ ba. Khi bên thứ ba biết và chấp nhận tham gia xác lập giao dịch bảo đảm (trở thành bên nhận bảo đảm mới) mà có liên quan và tác động đến những giao dịch đã được xác lập trước đó buộc bên chủ nợ mới này phải tôn trọng và ưu tiên cho lợi ích của chủ nợ trước đó.

Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm

Nguyên tắc chung để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán đã được thừa nhận trong khoa học pháp lý là nguyên tắc thứ tự về thời gian “first in time rule”. Thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm về mặt thời gian được sử dụng để xác định quyền ưu tiên của các chủ nợ có bảo đảm trên cùng một tài sản bảo đảm. Có nghĩa là mọi người sẽ được phục vụ theo thứ tự họ đến. Cụ thể, quyền ưu tiên được xác lập theo thời điểm có hiệu lực đối với bên thứ ba, nếu giao dịch nào có hiệu lực với bên thứ ba thì chủ nợ sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Nếu giao dịch bảo đảm không có hiệu lực đối với bên thứ ba thì căn cứ vào thời điểm xác lập biện pháp bảo đảm (Điều 308 Bộ luật Dân sự 2015). Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên được xác định như sau:

Thứ nhất, nếu các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, hiệu lực đối kháng phát sinh đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm (Điều 297). Trường hợp này, (i) quy tắc đăng ký và (ii) quy tắc chiếm hữu, kiểm soát tài sản bảo đảm là căn cứ xác định thứ tự ưu tiên thanh toán. Đối với những giao dịch bảo đảm nào đăng ký trước sẽ được quyền ưu tiên thanh toán trước, ngay cả những giao dịch không bắt buộc phải đăng ký vẫn phát sinh hiệu lực pháp lý nhưng để được hưởng quyền ưu tiên, giao dịch bảo đảm phải được đăng ký. Ví dụ như ngoài quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (có đăng ký quyền sở hữu), tàu bay, tàu biển khi thế chấp bắt buộc phải đăng ký mới phát sinh hiệu lực pháp lý. Nếu như thế chấp các loại tài sản còn lại thì không bắt buộc phải đăng ký vẫn có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, nếu không đăng ký, giao dịch này sẽ không được hưởng quyền ưu tiên thanh toán khi các giao dịch khác có đăng ký (Điều 4 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm).

Theo quy tắc chiếm hữu và kiểm soát tài sản bảo đảm, khi bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm thì giao dịch bảo đảm sẽ phát sinh hiệu lực đối kháng mà không cần phải đăng ký. Có nghĩa là không cần phải đăng ký giao dịch bảo đảm, bên nhận bảo đảm được xác lập quyền ưu tiên thanh toán khi trên thực tế chiếm hữu và kiểm soát tài sản bảo đảm. Trường hợp ngoại lệ, quy tắc này không áp dụng đối với biện pháp cầm giữ tài sản. Mặc dù đang thực tế chiếm giữ tài sản nhưng bên cầm giữ không được quyền xử lý tài sản bảo đảm và cũng không được quyền ưu tiên thanh toán từ tài sản bảo đảm. Bên cầm giữ được quyền tiếp tục cầm giữ tài sản cho đến khi nào nghĩa vụ được hoàn thành.

Một ngoại lệ khác mang tính đặc quyền trong lĩnh vực hàng hải, người có khiếu nại hàng hải như khiếu nại về tiền lương, chi phí bồi thường thương tích và tổn hại khác về sức khỏe con người liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển có quyền cầm giữ hàng hải đối với tàu biển (Điều 40 Bộ luật Hàng hải 2015). Quyền cầm giữ này nhằm để đảm bảo cho các khiếu nại hàng hải được giải quyết. Khi đó bên cầm giữ được hưởng thứ tự ưu tiên cao hơn các chủ nợ khác được bảo đảm bằng thế chấp tàu biển và các giao dịch bảo đảm khác (Điều 41 Bộ luật Hàng hải 2015). Đối với trường hợp cầm cố tàu bay, mặc dù đã chiếm giữ tài sản nhưng vẫn chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, bên nhận cầm cố chưa được ưu tiên thanh toán bởi cầm cố tàu bay bắt buộc phải đăng ký mới phát sinh hiệu lực pháp lý.

Thứ hai, nếu có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước. Đối với những giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba sẽ không được hưởng quyền ưu tiên thanh toán. Tương tự, xuất phát từ quy tắc đăng ký giao dịch bảo đảm và chiếm hữu, kiểm soát tài sản bảo đảm sẽ được ưu tiên thanh toán so với không đăng ký hoặc không chiếm hữu tài sản bảo đảm. Trong trường hợp tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ khác nhau mà có giao dịch bảo đảm đăng ký (hoặc chiếm giữ, cầm giữ), có giao dịch bảo đảm không đăng ký (hoặc không cầm giữ, chiếm giữ) thì giao dịch bảo đảm có đăng ký (hoặc cầm giữ, chiếm giữ) sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Đây là quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi thông qua thủ tục đăng ký hoặc thực tế đang cầm giữ, chiếm giữ tài sản là cách rõ ràng nhất để bên thứ ba có thể dễ dàng nhận biết được quyền lợi của bên nhận bảo đảm trên tài sản đó.

Thứ ba, nếu các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm. Căn cứ theo thời điểm xác lập biện pháp bảo đảm, biện pháp nào được xác lập trước sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Có nghĩa là, thời điểm giao dịch được xác lập và thời điểm giao dịch có hiệu lực không hoàn toàn trùng khớp nhau. Nếu luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận thì giao dịch sẽ có hiệu lực sau thời điểm xác lập giao dịch. Căn cứ xác định thứ tự ưu tiên dựa vào thời điểm xác lập (không dựa vào thời điểm có hiệu lực của giao dịch). Nếu giao dịch được xác lập trước, thì dù chưa có hiệu lực pháp lý vẫn được ưu tiên thanh toán trước so với giao dịch đã phát sinh hiệu lực (nhưng được xác lập sau). Có thể, nhà làm luật đã đồng nhất thời điểm xác lập và thời điểm có hiệu lực của giao dịch.

Ví dụ, ngày 30/3/2018, A ký kết với B hợp đồng vay tiền có thế chấp nhà ở nhưng không công chứng (Tạm gọi là hợp đồng thứ nhất). Sau đó, ngày 30/5/2018, A ký kết với C hợp đồng vay tiền và cũng thế chấp chính căn nhà đã thế chấp trước đó với B (Tạm gọi là hợp đồng thứ hai). Cho đến thời điểm hiện tại, hợp đồng thứ hai đã thực hiện hơn 2/3 nghĩa vụ, trong khi đó hợp đồng thứ nhất mặc dù xác lập trước nhưng tiến độ thực hiện chưa được 2/3 nghĩa vụ. Hiện tại, do A không thực hiện đúng nghĩa vụ nên tài sản thế chấp được đem ra xử lý để thanh toán nợ. Khi đó, B sẽ được ưu tiên thanh toán trước A mặc dù hợp đồng phát sinh hiệu lực sau. Theo quy định chung về hợp đồng, kể từ thời điểm có hiệu lực, hợp đồng bắt đầu phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Kể từ thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực mới được coi là đủ căn cứ pháp lý buộc các bên phải tôn trọng thực hiện. Vì vậy, căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên trong trường hợp này nên dựa vào thời điểm có hiệu lực của giao dịch thay vì dựa vào thời điểm xác lập sẽ hợp lý hơn, đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch bảo đảm.

Trên đây là các trường hợp để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp các bên trong giao dịch đều phải tuân thủ theo thứ tự ưu tiên thanh toán như trên. Về nguyên tắc, pháp luật tôn trọng và ghi nhận sự thỏa thuận của các bên, đây được xem là điều kiện tiên quyết trước khi áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán theo luật định. Chính vì thế, các bên cùng nhận bảo đảm có thể thỏa thuận về việc thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán nêu trên.   

Tài liệu tham khảo:

Chính phủ (2017), Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm

Trịnh Tuấn Anh và Nguyễn Văn Phúc (2018), “Học thuyết vật quyền và việc xây dựng chế định vật quyền theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa”,
Tạp chí Luật học, số 04, p 18-28;

Nguyễn Ngọc Điện (2012), Xây dựng chế định vật quyền – Điều kiện đề hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, Tọa đàm về sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005, Phần bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, Bộ Tư pháp - Nhà pháp luật Việt – Pháp;

Bùi Đức Giang (2013), “Giao dịch bảo đảm có đội tường là tài sản tương lai”,
Tạp chí Thị trường tài chính và tiền tệ, số 24;

Bùi Đức Giang (2012), “Quyền ưu tiên thanh toán của bên nhận thế chấp quyền đòi nợ, Tạp chí Ngân hàng, số 17;

Hồ Quang Huy (2011), "Vật quyền bảo đảm - Những vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình hoàn thiện pháp luật dân sự ở nước ta", Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, (Số Chuyên đề Pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm), tr. 28-37;

Lê Thị Thu Thủy và Đỗ Minh Tuấn (2016), “Giao dịch bảo đảm dưới khía cạnh so sánh luật học”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử, http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/giao-dich-bao-111am-duoi-khia-canh-so-sanh-luat-hoc-1;

Viện nghiên cứu Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp (1995), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, NXB Chính trị Quốc gia;

Lê Thị Thu Thủy và Đỗ Minh Tuấn, “Giao dịch bảo đảm dưới khía cạnh so sánh luật học”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử, http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/giao-dich-bao-111am-duoi-khia-canh-so-sanh-luat-hoc-1.