Việt Nam nhận điểm kém về mức độ bảo vệ nhà đầu tư

Theo VnExpress.net

Được đánh giá cao về những cải cách đối với môi trường kinh doanh nhưng Việt Nam vẫn bị WB xếp vào nhóm 10 quốc gia kém nhất thế giới về mức độ bảo vệ NĐT.

Ông Janamitra Devan, Phó chủ tịch WB có mặt tại Hà Nội trong những ngày đầu tháng 11 để chia sẻ thêm về Báo cáo Môi trường kinh doanh 2011 vừa được Ngân hàng thế giới công bố. Đại diện cấp cao của WB một lần nữa đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện các khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực kinh doanh.

Trong số 9 yếu tố được Ngân hàng Thế giới xem xét, Việt Nam nhận được khá nhiều điểm cộng trong nhóm tiêu chí về thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng và tiếp cận tín dụng. Chính những yếu tố này đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam trở thành một trong nước thăng tiến mạnh nhất trên bảng xếp hạng năm nay (tăng 10 bậc, xếp thứ 78 trong số 183 nước tham gia).

Tuy nhiên, theo đại diện của WB, bảng xếp hạng được công bố chỉ mang tính tương đối và việc một quốc gia thăng hạng “chưa chắc đã phải là do có thành tích tốt lên mà có thể là do môi trường kinh doanh tại các quốc gia khác kém đi”.

Nhấn mạnh rằng nhận xét này không phải để nói về trường hợp của Việt Nam, Phó chủ tịch WB Janamitra Devan cũng chỉ ra một số dẫn chứng cho thấy các nhà chức trách cũng như cộng đồng doanh nghiệp sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.

Ví dụ dễ thấy nhất được ông Devan đưa ra là việc Việt Nam nhận điểm 0 theo đánh giá chuyên gia về trách nhiệm giải trình của thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp trước cổ đông. Chính điểm kém này đã khiến Việt Nam trở thành một trong 10 nước kém nhất thế giới khi WB xem xét mức độ bảo vệ nhà đầu tư (hạng 173/183).

Theo đề xuất của Phó chủ tịch WB, tình trạng này nhất thiết phải được cải thiện trong thời gian tới nếu Việt Nam muốn thu hút thêm đầu tư. Nhà chức trách có thể xem xét đến cơ chế, cho phép cổ đông có thể khiếu nại thuận lợi và dễ dàng hơn nếu muốn, thậm chí trong việc khởi kiện thành viên hội đồng quản trị.

“Vài tháng trước, WB đã quyết định công khai mọi việc mình đã, đang và sẽ làm để mỗi công dân trên thế giới đều biết ngân hàng của họ đang làm gì. Và từ đó, trách nhiệm giải trình của mỗi nhân viên làm việc cho WB đều được nâng cao”, ông Devan lấy ví dụ.

Một dẫn chứng khác cũng được đại diện Ngân hàng Thế giới đưa ra vấn đề nộp thuế tại Việt Nam. Mặc dù tăng tới 22 bậc so với năm 2010 (xếp hạng 124) nhưng theo đánh giá của WB, thủ tục nộp thuế của doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn phức tạp và tốn thời gian.

Ngay cả với những chỉ tiêu được “khen”, WB cho rằng Việt Nam cũng cần tiếp tục có những cải thiện. Chẳng hạn việc phát triển hệ thống đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng, cải thiện độ sâu và tính chính xác của thông tin tín dụng…

Cuối cùng, theo đánh giá của ông Janamitra Devan, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam không phải là thứ hạng mang tính tương đối trên bảng xếp hạng. Việt Nam cần đi sâu hơn vào thực chất việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, đặc biệt là chống tham nhũng và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Việc thực hành các chính sách của Chính phủ, theo ông Devan, cũng nên được coi trọng bởi thực tế cho thấy, có chính sách tốt không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc thực thi tốt. Cuối cùng, đại diện WB một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cải thiện cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, để làm được việc này, Việt Nam cần ít nhất 10 tỷ USD mỗi năm để xây dựng hệ thống đường bộ, cầu, cảng… Với nhu cầu vốn lớn như vậy, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa cho khu vực tư nhân tham gia các dự án cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hợp tác công - tư cũng như kêu gọi các nguồn lực từ bên ngoài.