Xử lý hình sự đối tượng nợ bảo hiểm

Theo Tuyết Lai/daibieunhandan.vn

Trình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng gia tăng với số tiền lớn, xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, để xử lý vi phạm này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải tăng cường công tác xử lý hình sự nhằm “răn đe” các đối tượng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đẩy mạnh công tác khởi kiện nợ bảo hiểm

Những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được bổ sung nhóm tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, gồm: Tội gian lận BHXH, BHYT, BHTN và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Tuy nhiên đến nay, quy định này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tại Hội thảo khoa học “Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN” do BHXH Việt Nam vừa mới tổ chức, TS. Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng, để các quy định nêu trên của Bộ luật Hình sự được áp dụng thống nhất, đúng pháp luật trong thực tiễn cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Mặt khác, cần có hướng dẫn để thống nhất cách hiểu đối với một số khái niệm, tình tiết trong các điều luật như gian lận BHXH, BHYT, BHTN; trốn đóng BHXH, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt; có tính chất chuyên nghiệp.

Đồng thời làm rõ một số vấn đề trong các quy định về tội gian lận BHXH, BHTN; tội gian lận BHYT; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Cùng với đó là xác định thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội về BHXH, BHYT, BHTN.

Hoàn thiện chế tài hình sự xử lý hành vi chiếm đoạt bảo hiểm

Về những dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, tại hội thảo, ông Hồ Quang Hùng, Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an cho rằng, việc quy định các tội danh này là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN và hành vi vi phạm quyền thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

Theo các chuyên gia, Bộ Công an cần chủ động phối hợp hoặc phối hợp tích cực khi có yêu cầu với Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao và BHXH Việt Nam sớm ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng các điều luật quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN và việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trong lĩnh vực này, để bảo đảm nhận thức thống nhất trong xử lý đối với nhóm tội phạm này.

Bên cạnh 3 tội danh đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, cần bổ sung quy định về xử lý hình sự đối với những hành vi phạm tội khác liên quan đến quản lý và thực hiện BHXH, BHYT, BHTN, thay vì vẫn cần viện dẫn các điều luật khác trong Bộ luật Hình sự để xử lý như hiện nay.

Cần có nghị định riêng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, từ đó tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ cho phép xử lý hiệu quả các hành vi phạm tội về BHXH, BHYT, BHTN.

Có hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của thanh tra chuyên ngành BHXH về BHXH, BHYT, BHTN làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng thanh tra về đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Kết quả của việc thực hiện quy định pháp luật về thanh tra và xử phạt hành chính về đóng BHXH, BHYT, BHTN là cơ sở cho việc xử lý hình sự các tội phạm trong lĩnh vực này.