Xử thế nào là đúng luật với tờ 100 USD?

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều ý kiến cho rằng, cần cụ thể hóa số ngoại tệ bán theo giá trị để làm căn cứ xử phạt. Trường hợp nếu bán 100 USD mà bị xử phạt từ 90 triệu đồng thì việc xử phạt này mới "hợp về lý" nhưng chưa "thuận về tình".

 Mức độ xử phạt 90 triệu đồng cho hành vi đổi 100 USD là quá nặng, bất hợp lý và bất công. Nguồn: Internet
Mức độ xử phạt 90 triệu đồng cho hành vi đổi 100 USD là quá nặng, bất hợp lý và bất công. Nguồn: Internet

Điểm a, khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nêu rõ: phạt 80 – 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ...

"Ngỡ ngàng" vì quy định

Thông tư số 20/2011/ TT-NHNN ngày 29/8/2011 cũng quy định việc bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật và các Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.

Tuy nhiên, trong 7 năm qua, tình trạng mua bán ngoại tệ vẫn diễn ra tràn lan và tương đối công khai. Vì thế, nhiều người dân lầm tưởng việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do không bị pháp luật cấm.

Thế nhưng, ngày 23/10, UBND TP. Cần Thơ đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã mang đổi 100 USD tại tiệm vàng. Đồng thời, ông Rê còn bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được.

Với tiệm vàng, UBND TP. Cần Thơ cũng phạt 295 triệu đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc nhận đổi 100 USD của ông Rê; đồng thời tịch thu số ngoại tệ đã đổi.

Sự việc trên khiến dư luận xôn xao. Chị Hoàng Thị Mai (Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Có người nhà đi làm ăn ở nước ngoài, thỉnh thoảng cũng gửi ngoại tệ về cho gia đình. Mỗi khi có việc cần tiền, tôi vẫn thường xuyên ra phố Hà Trung (Hà Nội) để đổi từ USD sang VND, nhưng chưa bao giờ gặp bất cứ rắc rối nào".

Đáng nói là hầu hết những khách hàng tìm đến thị trường tự do đổi ngoại tệ đều không biết quy định tại Nghị định 96 và Thông tư 20.

Chị Mai cho hay: "Tôi chỉ biết những cửa hàng kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ phải được cơ quan chức năng cấp phép, nếu không sẽ bị xử phạt, chứ không biết có quy định người mua ngoại tệ ở thị trường tự do sẽ bị xử phạt".

Nên quy định theo giá trị

Hầu hết giới luật sư đều cho rằng, hành vi mua bán ngoại tệ của ông Rê là trái pháp luật, việc UBND TP. Cần Thơ ra quyết định xử phạt là đúng, nhưng việc xử phạt chưa "thuận về tình".

Theo phân tích của luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty Luật Basico, mức độ xử phạt 90 triệu đồng cho hành vi đổi 100 USD là quá nặng, bất hợp lý và bất công ở chỗ khung xử phạt không tính theo giá trị, số lượng, tính chất, mức độ vi phạm và số lần tái phạm.

Ông Đức phân tích: "Với quy định mức xử phạt trên, việc đổi 1 USD hay hàng nghìn USD thì khung xử phạt vẫn từ 80-100 triệu đồng là điều bất hợp lý, đặc biệt là áp dụng cho cá nhân. Mức phạt này ngang bằng mức phạt các hành vi như gây tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm…, trong khi những hành vi này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với hành vi đổi ngoại tệ trái phép".

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, cho rằng hành vi mua bán ngoại tệ trái phép phải bị xử phạt là hợp lý, song nếu một người dân chỉ bán ra cho cửa hàng 100 USD là chưa nghiêm trọng, xử phạt lên đến hơn 40 lần giá trị vi phạm là quá nghiêm khắc.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nói: "Việc xử phạt hành vi mua bán ngoại tệ trái pháp luật của ông Rê là đúng, nhưng hình thức, cách thức như thế nào để kết hợp giữa tính giáo dục và tính nghiêm minh của pháp luật thì cần cân nhắc".

Đưa ra giải pháp, theo giới luật sư, nên quy định giá trị giao dịch ngoại tệ để đưa ra các mức xử phạt cho phù hợp. Có thể áp dụng từ cảnh cáo, đến mức xử phạt vài trăm nghìn, vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Thậm chí, nếu người mua bán tái phạm nhiều lần sẽ có hình thức phạt cao hơn.

Đối với các cửa hàng mua bán ngoại tệ trái phép cần xử lý nghiêm, bởi các cửa hành kinh doanh vàng bạc này khi thành lập đều có ý thức rõ việc mua bán ngoại tệ là trái phép nhưng vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật, nên cần thiết phải có khung hình phạt cao hơn, đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nếu có sự tham gia ngay từ ban đầu của các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan quản lý vào cuộc một cách quyết liệt thì tình trạng mua bán ngoại tệ tràn lan như thời gian qua đã không diễn ra.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cũng cần rút kinh nghiệm trong tuyên truyền để người dân hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan tới tiền tệ.