Xuất hiện nhiều hành vi gian lận thương mại mới

Theo NĐBND

Báo cáo chưa đầy đủ của 57 Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, ngày càng xuất hiện nhiều hành vi gian lận mới rất tinh vi.

Ngoài một số hành vi, thủ đoạn cũ, Ban Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện những thủ đoạn vi phạm mới, tinh vi hơn. Chẳng hạn, một số đối tượng dựng cửa hàng lấy tên thương hiệu nổi tiếng sau đó lừa bán cả cửa hàng và hàng hóa. Hàng kém chất lượng trong nước cũng phát hiện thêm nhiều vụ việc mới như: thay bao bì, sửa hạn sử dụng của sản phẩm đã hết hạn. Hàng bị sửa hạn sử dụng nhiều nhất tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, nước giải khát có hạn dùng dưới 1-2 năm như bột mỳ, mỳ tôm, bia chai...

Ngoài ra, còn xuất hiện thủ đoạn đăng ký tên miền thương mại trùng với tên nhãn hiệu đã được bảo hộ hàng hóa đã nổi tiếng để lừa dối người tiêu dùng. Hàng sản xuất trong nước bị làm giả đủ loại. Đặc biệt, trong lĩnh vực kỹ thuật số, hàng giả lên đến mức báo động, không chỉ đồng hồ, máy ảnh mà các loại hình linh kiện, card, sim, thẻ nhớ... giả mạo nhãn hiệu xuất xứ tăng rõ rệt, với giá cạnh tranh.

Để việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong thời gian tới hiệu quả hơn, Phó tổíng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Đại tá Bùi Văn Hà kiến nghị Chính phủ và Ban Chỉ đạo 127/TW giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng liên quan xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ đối với xe mang biển số ngoại giao, biển số liên doanh, nước ngoài lưu thông tại Việt Nam. Việc làm này nhằm tránh tình trạng một số đối tượng lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, nhập xe du lịch mang biển kiểm soát nước ngoài (chủ yếu là biển số Lào, Campuchia) qua các cửa khẩu biên giới Tây Nam nhưng chưa tái xuất để lưu hành tại nội địa, lợi dụng vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu.

Với mặt hàng thuốc lá, tình hình nhập lậu thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất vẫn diễn biến phức tạp, tập trung tại các tỉnh biên giới Tây Nam và một số tỉnh miền Trung. Từ khi có Nghị định 12 của Thủ tướng Chính phủ quy định thuốc lá ngoại không còn là mặt hàng cấm, tình hình buôn lậu, vận chuyển thuốc lá ngoại diễn ra với chiều hướng gia tăng. Các đối tượng buôn bán chuyên nghiệp mặt hàng này tăng cường hoạt động ở các khu vực biên giới An Giang, Long An, Tây Ninh và khu vực cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Và hiệu quả của công tác đấu tranh chống buôn lậu ở những địa phương này đã không theo kịp tình hình. Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên đưa mặt hàng thuốc lá nhập lậu vào diện cấm kinh doanh và không đưa thuốc lá điếu ngoại vào danh mục hàng hóa được mua theo Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đại diện Ban chỉ đạo 127 tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị  Ban chỉ đạo 127/TW đề xuất với Chính phủ cho phép và giao cho Bộ Công Thương cùng Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chọn một số doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu ở trong nước tổ chức mua thuốc lá ngoại nhập lậu do các lực lượng chống buôn lậu bắt giữ để làm nguyên liệu sản xuất thuốc lá và bán với giá hợp lý cho người tiêu dùng, tránh việc tiêu hủy vừa lãng phí, vừa tốn chi phí tổ chức tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, để công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn rất cần trang bị các thiết bị hiện đại, phục vụ cho công tác phát hiện và giám định hành vi vi phạm.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 57 Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trong năm 2008, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 194.184 vụ vi phạm pháp luật, tổng thu 2.134 tỷ đồng. Trong đó xử phạt hành chính 427 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế 944 tỷ đồng, trị giá và tịch thu 763 tỷ đồng.