Xuất khẩu thủy sản: Khó nhất là... vướng luật nước ngoài

Theo dddn

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN (Vasep) rất lạc quan cho rằng tiềm năng XK thủy sản VN hiện nay và nhiều năm nữa rất dồi dào. Ông Hòe dự báo kim ngạch XK thủy sản năm 2010 có thể vượt 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn đang vướng khá nhiều khó khăn, trong đó khó nhất là do các luật lệ quy định của nước ngoài.

Năm 2010, tính đến ngày 15/3, tổng kim ngạch XK thủy sản đã đạt 697 triệu USD, tăng 18,6% so cùng kỳ 2009, sản lượng đạt 207 ngàn tấn, tăng 20,6% so cùng kỳ 2009.

Luôn bị luật nước ngoài đe dọa

Ông Trương Đình Hòe cho biết, dù thủy sản VN vẫn đang XK tốt vào EU, Nhật Bản, Mỹ (ba thị trường lớn nhất), nhưng lúc nào cũng bị đe dọa bởi các rào cản luật pháp của các nước này. Chỉ nói riêng việc bị tăng mức thuế chống bán phá giá, đối với thị trường Mỹ, vụ kiện bán phá giá tôm kéo dài 5 năm đã làm cho lượng tôm XK vào Mỹ năm 2004 - 2005 giảm, nhưng nhờ kiên trì theo đuổi, đấu tranh nên VN vẫn duy trì được lượng tôm XK vào Mỹ. Hiện mỗi năm VN XK khoảng 400 triệu USD vào Mỹ, trong tổng số khoảng 1,6 tỷ USD kim ngạch XK tôm VN/năm. Các DN VN đang thuê luật sư kiện cơ quan thủy sản Mỹ nhằm bỏ loại thuế chống bán phá giá, còn nếu phía DN VN thua kiện thì vẫn bị áp thuế chống bán phá giá 4,57%

Cá tra - ba sa VN bị áp thuế chống bán phá giá  tại Mỹ đã 7 năm, nhưng hiện vẫn XK sang Mỹ khoảng 60 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, hiện cá tra - ba sa VN đang đứng trước nguy cơ bị kiện theo Luật Farm Bill 2008. Theo ông Hòe, giả sử cá tra - ba sa VN được định nghĩa là cá catfish thì sẽ bị áp dụng các quy định như cá catfish theo Luật Farm Bill 2008, bị đưa vào cơ chế thanh tra rất khó khăn, thậm chí việc thỏa mãn các quy định sẽ trở thành... nhiệm vụ bất khả thi. Hiện các DN VN chỉ có thể tranh đấu, gửi đơn kiện tập thể... để cá tra không bị xếp loại là cá catfish. DN không nên quá lo lắng vì thứ nhất vấn đề này “vượt khả năng hiểu biết của các DN VN”, mọi sự bàn bạc tại VN hiện nay “cũng chỉ là suy đoán” vì chưa có thông tin cụ thể. Mặt khác, từ năm 2002, phía Mỹ đã không cho phép các DN VN ghi tên con cá tra - ba sa là catfish, vì sợ lẫn lộn với cá catfish của Mỹ. Do vậy cá tra - ba sa VN từ đó đến nay XK sang Mỹ với tên gọi Pangasius basa, người tiêu dùng Mỹ hay gọi ngắn gọn là Tra, Basa, Swai. Thứ 3, lượng cá tra - ba sa VN XK sang Mỹ có số lượng rất nhỏ, và không vi phạm ATVSTP. Đặc biệt, nếu xếp cá tra - basa VN vào danh sách cá catfish thì đồng nghĩa với việc cấm cá tra - ba sa VN NK vào Mỹ, sẽ không có lợi cho đại đa số người tiêu dùng Mỹ do cá VN giá rẻ... Còn theo nhiều DN, khó khăn xuất phát từ trong nước là... thiếu điện. Chế biến thủy sản mà thiếu điện, bị cắt điện khi quy trình sản xuất đang hoạt động thì sản phẩm sẽ hư hỏng.

Nhà nước phải hỗ trợ tích cực

Theo nhiều DN, vẫn biết VN đã gia nhập WTO, Nhà nước không được giúp DN về vốn, ưu đãi... theo quy định của WTO. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn có thể giúp DN nhiều vấn đề mà không vi phạm quy định. Ví dụ Nhà nước nên can thiệp với các quốc gia khác về các luật lệ, giúp DN kinh phí khởi kiện, xúc tiến thương mại (XTTM)... Cụ thể nhất, Nhà nước phải có giải pháp căn bản chấm dứt vấn nạn thiếu điện. Nhà nước cũng cần xem xét việc ưu tiên hàng đầu vốn cho các hộ nuôi thủy sản, kịp thời duy trì ao nuôi, nuôi mới  trong tình hình khó khăn hiện nay, nhằm bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu cho sản xuất chế biến. Ông Hòe còn khẳng định đối với vấn đề Farm Bill 2008, Nhà nước phải có sự hỗ trợ DN về mặt luật pháp, về XTTM, quảng bá thương hiệu nhằm đánh bại những tuyên truyền xấu của thiểu số người nuôi cá castfish Mỹ muốn con cá tra - ba sa VN mất uy tín. Trên cơ sở quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao nhiều mặt giữa VN và Mỹ, Nhà nước cần có những động thái ngoại giao tích cực nhằm làm cho phía Mỹ không đưa con cá tra - ba sa VN vào danh sách cá catfish.

Theo ông Hòe, để người tiêu dùng trong và ngoài nước tiêu thụ hàng thủy sản VN, vượt qua các rào cản thì trên hết là sự cố gắng của chính các DN thủy sản. Hai vấn đề mà các DN phải cố gắng nhất là chất lượng- thương hiệu. Phải bảo đảm tuyệt đối sản phẩm đạt VSATTP, phải không ngừng quảng bá giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng biết.