10 chính sách kinh tế nổi bật của Trung Quốc năm 2010

Theo Vnexpress.net

Trong năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của Trung Quốc (2006 – 2010), Trung Quốc đã thực hiện rất nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát, giải quyết tình trạng tăng giá nhà đất...

1. 6 lần nâng tỉ lệ dự trữ bắt buộc

Trong năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã 6 lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Mức nâng mỗi lần là 50 điểm cơ bản (0,5%), từ 15,5% vào cuối năm 2009 lên mức cao kỉ lục là 18,5% tháng 12/2010 để hút bớt tiền khỏi lưu thông.

2. Nỗ lực hạ nhiệt thị trường nhà đất

Chính phủ nước này đưa ra quy định, những gia đình muốn vay tiển để mua căn hộ thứ hai phải trả trước hơn 50%. Tương tự, những người chuẩn bị mua nhà trong khi đang sở hữu một căn nhà khác rộng hơn 90 m2 phải trả ít nhất 30% tổng giá trị trước khi thế chấp.

Cùng với tin đồn xung quanh việc Bắc Kinh và Thượng Hải sẽ là những thành phố đầu tiên áp dụng thuế đất, những chính sách nghiêm ngặt như trên đã góp phần làm giảm đà tăng giá của thị trường bất động sản nước này.

3. Chuyển hướng sang chính sách tiền tệ thận trọng

Tại Hội nghị trung ương về công tác kinh tế năm 2010, các nhà hoạch định chính sách đã chuyển từ chính sách tiền tệ nới lỏng sang “thận trọng”. Số liệu mới từ Cục thống kê quốc gia cho thấy tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc đã chạm mức 5,1% trong tháng 11 – mức cao nhất trong vòng 28 tháng gần đây, thúc giục chính quyền nước này đặt vấn đề kiểm soát giá cả lên hàng đầu.

Trung Quốc đã chuyển sang chính sách tiền tệ thận trọng. Ảnh: China Daily
Trung Quốc đã chuyển sang chính sách tiền tệ thận trọng. Ảnh: China Daily

4. Chính sách thuế cân bằng

Trung Quốc bắt đầu đánh 2 loại thuế vào các công ty nước ngoài kể từ ngày 1/12, đánh dấu bước khởi đầu cho một cơ chế thuế chuẩn mực của quốc gia cho cả doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài.

5. Thuế ôtô

Vào đầu tháng 12, Ủy ban cải tổ và phát triển quốc gia – cơ quan chịu trách nhiệm chính về lập kế hoạch kinh tế của Trung Quốc đã tuyên bố: Ưu đãi thuế đối với việc mua ôtô có dung tích động cơ nhỏ sẽ hết hạn kể từ năm 2011.

Việc này đã làm tăng doanh số bán ôtô tháng 11 ở nước này. Theo số liệu của Hiệp hội ôtô khách Trung Quốc, hơn 1,28 triệu ôtô đã được bán vào tháng 11- tăng 27% so với năm trước đó và 10,5% so với tháng 10. Các chuyên gia cho rằng, doanh số ôtô nội địa vượt quá 17,5 triệu chiếc trong năm 2010.

6. Xây dựng đường sắt cao tốc

Bắc Kinh - Thượng Hải là tuyến đường cao tốc dài nhất thế giới. Ảnh: China Daily
Bắc Kinh - Thượng Hải là tuyến đường cao tốc dài nhất thế giới. Ảnh: China Daily

Trung Quốc sẽ đầu tư 3 – 4 nghìn tỷ NDT (tương đương 451 – 601 tỷ USD) vào ngành đường sắt cao tốc như một phần của kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 – 2015).

Trong hội nghị đường sắt cao tốc thế giới lần thứ 7, Trung Quốc đã ký 8 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận với 8 thành phố về việc hợp tác xây dựng đường sắt cao tốc. Việc này đã làm cho cổ phiếu các công ty liên quan đến đường sắt tăng giá.

Trong khi tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải – tuyến đường sắt dài nhất và nhanh nhất Trung Quốc bắt đầu vận hành năm 2011, hàng nghìn km đường sắt cao tốc khác vẫn tiếp tục được xây dựng. Bộ trưởng Bộ Đường sắt Liu Zhijun nói rằng Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới với mạng lưới đường sắt cao tốc dài 7.531 km. Con số này sẽ được mở rộng lên 13.000 km vào năm 2012 và 16.000 km vào năm 2020.

7. Năng lượng sạch

Trung Quốc đang nỗ lực tăng tỷ trọng của năng liện điện sạch. Ảnh minh họa: China Daily
Trung Quốc đang nỗ lực tăng tỷ trọng của năng liện điện sạch. Ảnh minh họa: China Daily.

Năng lượng nguyên tử, gió, ánh sáng mặt trời được hưởng những chính sách vô cùng thuận lợi trong năm 2010 khi Trung Quốc muốn tăng việc sản xuất năng lượng sạch lên 15% trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 – 2015).

Theo số liệu từ cục quản lý năng lượng Quốc gia, 62% lượng đầu tư trong 3 quý vừa qua là cho ngành công nghiệp năng lượng sạch. Các nhà máy điện nguyên tử của Trung Quốc có khả năng sản xuất được hơn 10 triệu kW và sẽ được nâng lên 40 triệu kW vào năm 2015.

8. Các cụm thành phố

Theo một chỉ thị của Ủy ban Cải tổ và Phát triển quốc gia hồi tháng 8, chính quyền Trung Quốc đã hứa sẽ tạo ra 6 cụm thành phố để tăng cường sự phát triển của miền trung Trung Quốc.

Các cụm thành phố được xây dựng để tạo ra nhiều khu công nghiệp tập trung và phân phối tài nguyên đồng đều hơn, nhằm cân bằng sự phát triển tại tất cả các vùng miền ở Trung Quốc.

9. Ngành công nghiệp văn hóa của Trung Quốc trở thành trụ cột kinh tế

Ngành công nghiệp văn hóa của Trung Quốc đã phát triển với tốc độ hơn 15% trong vòng 5 năm trở lại đây. Thực tế này đã khiến chính phủ đề nghị phải nâng vai trò của ngành công nghiệp văn hóa lên thành trụ cột kinh tế trong Hội nghị các vấn đề về kinh tế được tổ chức đầu tháng này.

Theo một báo cáo từ Viện khoa học xã hội Trung Quốc, ngành công nghiệp văn hóa của nước này trị giá khoảng 800 tỷ NDT (tương đương 120 tỷ USD). Tăng cường số hóa nội dung và hợp tác với khu vực tư nhân được coi là bước tiếp theo trong quá trình phát triển.

10. Trợ giá cho ôtô điện

Vào tháng 6, các nhà quản lý kinh tế hàng đầu và 4 bộ liên quan đã ra quyết định trợ cấp cho các cá nhân mua ôtô chạy bằng điện.

Chính sách này nhắm vào các loại phương tiện sử dụng động cơ chạy bằng điện - xăng hoặc chạy hoàn toàn bằng điện. Mức hỗ trợ là 50.000 NDT tại 5 thành phố lớn là Thượng Hải, Thâm Quyến, Trường Xuân, Hàng Châu và Hợp Phì.

Theo Văn phòng xúc tiến ôtô điện Thượng Hải, đến năm 2012, thành phố sẽ có 100.000 ôtô điện với tổng trị giá là 30 tỷ NDT. Khoảng 60% trong số đó thuộc sở hữu của cá nhân.