5 tháng, rơi 2 máy bay, Boeing đối mặt với nhiều dấu hỏi lớn về an toàn

Theo Khởi Vũ/doanhnhansaigon.vn

Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đang đối diện với nhiều dấu hỏi lớn về an toàn, sau khi chiếc 737 Max thứ hai gặp tai nạn tại Ethiopia vào ngày 10/3.

 Mảnh vỡ còn sót lại của chiếc Boeing 737 MAX 8 gặp nạn tại Ethiopia. Nguồn: internet
Mảnh vỡ còn sót lại của chiếc Boeing 737 MAX 8 gặp nạn tại Ethiopia. Nguồn: internet

2018 là năm kinh doanh tốt chưa từng có của Boeing, với doanh thu lần đầu cán mốc 100 tỷ USD trong lịch sử 102 năm, và tập đoàn này dự kiến sẽ còn bán được nhiều máy bay hơn nữa vào năm nay. Tuy nhiên, nhiều dấu hỏi lớn về sự an toàn đang được đặt ra với Boeing, sau 2 vụ tai nạn của cùng một mẫu máy bay diễn ra trong chưa đầy nửa năm.

Chuyến bay mang số hiệu ET 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã rơi gần thị trấn Bishoftu, cách thủ đô Addis Ababa 62km về phía đông nam, khi đang trên đường tới thủ đô Nairobi của Kenya, khiến toàn bộ 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Nạn nhân vụ rơi máy bay mang 35 quốc tịch khác nhau, trong đó có 22 nhân viên Liên Hiệp Quốc. 

Theo Reuters, chiếc máy bay rời thủ đô Addis Ababa của Ethiopia vào lúc 8h38 phút sáng (giờ địa phương) trong điều kiện thời tiết rõ ràng và mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu chỉ 6 phút sau đó. 

Đây là vụ tai nạn hàng không thứ hai xảy ra trong vòng nửa năm qua, sau sự kiện máy bay của hãng hàng không Indonesia Lion Air rơi xuống biển Java, khiến tất cả 189 người trên máy bay thiệt mạng vào cuối tháng 10 năm ngoái. 

Cả hai chiếc máy bay xấu số nói trên đều là những chiếc 737 MAX 8 của Boeing. Đáng nói, cả hai máy bay gặp nạn đều còn rất mới - chiếc của Lion Air mới có 800 giờ bay, trong khi chiếc của Ethiopian Airlines cũng chỉ bay được 1.200 giờ. Và, cả hai đều rơi trong vòng ít phút đầu tiên của chuyến bay.

Hiện, nguyên nhân vụ tai nạn tại Ethiopia đang được điều tra, và vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy sự liên hệ giữa hai vụ rơi máy bay nói trên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia không lưu, trường hợp máy bay mới gặp tai nạn sát nhau như vừa qua là rất hiếm.

“Đây là việc hết sức hy hữu”, John Cox - một điều tra viên cấp cao và cựu phi công - cho hay. Ông cùng những nhân viên khác nói, quá trình điều tra đang ở bước đầu, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai vụ tai nạn phát sinh từ cùng một lý do.

Tuy nhiên, nếu vụ rơi máy bay của Ethiopian Airlines và Lion Air trước đó có cùng nguyên nhân, thì Boeing sẽ phải nhanh chóng triển khai một loạt điều chỉnh với sản phẩm của mình cũng như thay đổi cách huấn luyện phi hành đoàn của mẫu 737 MAX 8, Richard Aboulafia - một chuyên viên phân tích hàng không thuộc Teal Group - nhận định.

Ông Aboulafia cũng cho biết, nếu các nhà sản xuất, hãng hàng không hoặc khách hàng lo ngại về độ an toàn của 737 MAX 8, Boeing thậm chí có thể phải tạm đình bay hoặc tạm dừng giao hàng mẫu máy bay này. 

Được biết, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ban lệnh tạm ngưng sử dụng Boeing 737 MAX 8 cho các hãng hàng không. Trong một thông cáo, Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết sẽ tiến hành liên lạc với Boeing cũng như Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) và chỉ cho phép nối lại các chuyến bay sau khi đã có biện pháp bảo đảm an toàn.

Indonesia cũng có quyết định tương tự, và đã bắt đầu kiểm tra 11 chiếc MAX 8 đang sở hữu. Còn Ethiopian Airlines đã thông báo ngưng hoạt động tất cả những chiếc Boeing 737 MAX 8 “cho đến khi có lệnh mới”.

Tai nạn tại Ethiopia là một đòn nặng nề với Boeing, khi 737 MAX là dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing cho đến nay, với riêng 10.000 chiếc MAX 8 đã được sản xuất. Mẫu 737 MAX 8 mới đi vào khai thác hai năm và đặc biệt được ưa chuộng. Năm ngoái, 72% số máy bay được Boeing giao hàng là thuộc loại 737. Được biết, Boeing dự kiến sản xuất mỗi tháng 59 máy bay mới thuộc dòng 737 trong năm nay, nhiều gấp 4 lần số lượng của 787 - dòng sản phẩm bán chạy thứ hai của hãng. 

Sau vụ tai nạn thảm khốc tại châu Phi, hàng loạt tiếp viên hàng không đã bày tỏ lo ngại về sự an toàn của những chiếc máy bay 737 MAX 8. Hiệp hội Tiếp viên hàng không Hoa Kỳ, đơn vị đại diện cho 50.000 tiếp viên thuộc 20 hãng hàng không khác nhau cho biết, đã chính thức yêu cầu Cục Hàng không Liên bang Mỹ điều tra kỹ lưỡng về dòng máy bay này.

"Mặc dù chúng tôi không đưa ra kết luận gì khi chưa xem xét đầy đủ chứng cứ, nhưng sau vụ tai nạn thứ hai, các nhà quản lý, nhà sản xuất và hãng hàng không cần phải triển khai các biện pháp xử lý tình trạng quan ngại ngay lập tức”, Chủ tịch quốc tế của Hiệp hội Tiếp viên hàng không Hoa Kỳ - Sara Nelson nói.