Ai nắm giữ chìa khóa hóa giải khủng hoảng kinh tế thế giới?

Theo TCCSĐT

Nền kinh tế thế giới sẽ đi về đâu, khủng hoảng kinh tế thế giới đến bao giờ mới thôi phát tác khi mà hai nền kinh tế đầu tàu hiện nay là Mỹ và Trung Quốc đang cố theo đuổi các lợi ích quốc gia? Tại thời điểm bên thềm năm mới 2011, nhiều nhà phân tích đưa ra dự báo: Khủng hoảng sẽ không bao giờ kết thúc, nếu Mỹ và Trung Quốc không tự giải quyết các vấn đề của mình!

Vài nét về thực trạng nền kinh tế thế giới

Bước vào năm 2011, với vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ các nước giàu (G8) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Pháp cùng các nước trong hai “câu lạc bộ” này đang khẩn trương chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại thủ đô Pa-ri vào dịp đầu năm này. Theo kế hoạch, tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 sẽ thảo luận về hệ thống tiền tệ thế giới mới, khi mà những mâu thuẫn tiền tệ trong năm 2010 đã đẩy nền kinh tế thế giới đến kết cục đáng buồn: bộc lộ những bất đồng không thể hóa giải. Cả thế giới đã trông chờ mỏi mắt nền kinh tế thế giới nhanh chóng thoát ra khỏi khủng hoảng. Song sự chờ đợi ấy ngày càng trở nên vô vọng, dường như là không hiện thực. Các chỉ số kinh tế năm 2010, về cơ bản, cho thấy nền kinh tế thế giới không chỉ ở tình trạng ngưng trệ, mà còn kèm theo những dấu hiệu “biến chứng” mới. Hệ thống tài chính thế giới bộc lộ nhiều mâu thuẫn; sự mất cân đối phi lý về tỷ giá hối đoái giữa các đơn vị tiền tệ; hay đồng tiền chung của cả một khu vực kinh tế vào loại thịnh vượng nhất thế giới (đồng ơ-rô) bị đe dọa diệt vong... không còn là những vấn đề đơn lẻ. Chúng là hậu quả của cuộc khủng hoảng cơ cấu nghiêm trọng đang bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu.

Thực trạng nền kinh tế EU, trong đó có 17 quốc gia sử dụng đồng tiền chung ơ-rô, đang phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi đồng ơ-rô ra đời. Mỹ vẫn lấn cấn với tỷ lệ thất nghiệp gần 10%. Trọng lượng kinh tế của các nước đang trỗi dậy ngày càng lớn. Thực tế đó khiến không ít chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi: Phải chăng trung tâm kinh tế thế giới đã chuyển khỏi Âu - Mỹ?

Ngược thời gian trở về với mùa hè năm 2007, khi toàn cảnh kinh tế thế giới còn rất tươi sáng, và tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu đạt đỉnh cao (5%) thì cuộc khủng hoảng tín dụng cho vay dưới chuẩn đã bùng nổ. Tiếp theo đó, đến tháng 9-2008, thị trường tài chính lớn nhất thế giới là Phố Uôn (Wall Street, Mỹ) đã trải qua một trận “đại hồng thủy” với vụ phá sản của Ngân hàng anh em nhà Le-man (Lehman Brothers)... Và từ đó đến nay, có thể nói, hai chữ “khủng hoảng” gần như được gắn liền với các bài phân tích kinh tế. Trong năm 2009, cộng đồng quốc tế đánh mất 0,7% GDP. Tuy nhiên, trong năm 2010, chỉ số này đã tăng trở lại được gần 4%, cao hơn nhịp độ trung bình của thế giới trong 3 thập niên vừa qua (GDP toàn cầu tăng trung bình 3,5% trong giai đoạn 1980-2009). Nhưng khác hẳn với giai đoạn tiền khủng hoảng (trước năm 2008), các động cơ chính của con tàu kinh tế thế giới không còn được đặt tại Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, mà đã được dời về khu vực các quốc gia đang trỗi dậy, đứng đầu là Trung Quốc.

Vấn đề phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc

Có thể khẳng định, số phận con tàu kinh tế thế giới giờ đây phụ thuộc không nhỏ vào mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Về phương diện nào đó, các nước phát triển đứng về phía Mỹ, còn các nước đang phát triển lại đứng về phía Trung Quốc. Các nước này đòi hỏi thiết lập lại trật tự thế giới mới, đòi đọc “bản cáo chung” cho một thế giới đơn cực và đòi tiếng nói của họ phải được coi trọng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế...

Bên cạnh đó, với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng, Trung Quốc cũng ngày càng mạnh bạo trong việc dùng thương mại như một vũ khí chính trị, mang tính hệ tư tưởng. Nghiên cứu mô hình kinh tế - chính trị Trung Quốc, người ta không khỏi không nhận xét: Mức độ phục tùng chính trị tỷ lệ nghịch với mức độ phụ thuộc thương mại giữa hai đối tác. Với quy mô phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, sự phụ thuộc về thương mại của các đối tác (đương nhiên) ngả sang hướng có lợi cho Bắc Kinh. Bước phát triển này giúp Trung Quốc có thể chi phối các đối tác thương mại theo quy mô ngày càng tăng.

Chân lý “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” được Trung Quốc vận dụng rất linh hoạt và triệt để. Thái độ của Trung Quốc trước yêu cầu của Nhà trắng đòi Bắc Kinh thả nổi đồng nhân dân tệ (NDT) là một minh chứng rõ ràng nhất. Trung Quốc nhất quyết duy trì tỷ giá đồng nội tệ thấp hơn từ 30 đến 40% giá trị thực so với đồng đô-la Mỹ (USD) đã khiến Nhà trắng “nổi cáu”. Các ông nghị ở Mỹ cho rằng, chính sách tiền tệ của Trung Quốc chính là căn nguyên dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng ở nước này và Quốc hội Mỹ không loại trừ khả năng sẽ cho phép áp dụng các biện pháp bảo hộ. Điều đó càng làm cho quan hệ Trung Quốc - Mỹ trở nên xấu đi. Song điều nguy hại hơn là thực trạng nền kinh tế thế giới sẽ còn lâu mới được cải thiện.

Liệu Mỹ và Trung Quốc có tính đến lợi ích quốc tế?

Tại Mỹ, thị trường vay mượn tăng lên rất nhanh, bởi nhìn chung, người Mỹ quen sống dựa vào tín dụng. Họ sẵn sàng vay mượn, kể cả cầm cố, để mua bán mọi thứ. Tập quán này chứa đựng nhiều mạo hiểm, đó là chưa tính tới khả năng vay tín dụng bị hạn chế, bởi dù sao đây cũng là những khoản chi phí từ những nguồn thu nhập ảo.

Điều gì xảy ra khi người Mỹ quen sống bằng tín dụng, “đẻ ra” số lượng lớn tiền ảo, trong khi Mỹ hiện không có cơ sở thực tế. Tổng số nợ công của Mỹ vào thời điểm cuối năm 2010 là 87% GDP, đó là chưa kể chính quyền nước này mấy năm gần đây còn in thêm tiền, bơm hàng nghìn tỉ USD nhằm “hà hơi tiếp sức” cho hệ thống kinh tế yếu kém. Chưa bao giờ hình ảnh chú Sam lại trở thành “siêu chúa Chổm” như thế. Các nhà kinh tế trấn an rằng, đây chưa phải là thảm họa, song dù thế nào thì tình hình cũng đã trở nên rất phức tạp, bởi USD là đồng tiền dự trữ thế giới. Nó có thể mất giá do lòng tin bị suy giảm và sự việc sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường liên quan tới sự biến thái của nền kinh tế thế giới. Rõ ràng, Mỹ phải là quốc gia đầu tiên không chỉ phải làm cho các công cụ tài chính hoạt động hiệu quả hơn, mà còn phải làm cho nền kinh tế thế giới trở nên lành mạnh. Giảm mạnh nợ công, giảm tình trạng thâm hụt ngân sách cũng đồng nghĩa với nguy cơ đe dọa nền kinh tế Mỹ sụp đổ và mức sống của người dân Mỹ suy giảm. Đối với Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và các nhà lãnh đạo Mỹ, đây là phương án thật khó chấp nhận. Nhưng chính phương án này lại có thể giải quyết được vấn đề nan giải của nền kinh tế thế giới hiện nay, bởi nó sẽ tạo ra một sự cân bằng mới và xác lập một mức sống tương ứng với khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ. Đã đến lúc người Mỹ cần phải biết hy sinh để làm cho nền kinh tế của mình cân bằng. Đó cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng để giữ cho con tàu kinh tế thế giới khỏi trật bánh.

Nhìn sang Trung Quốc, ở đây chúng ta cũng chỉ đề cập đến vấn đề kìm hãm tỷ giá đồng NDT. Việc này cho phép Trung Quốc thực hiện chính sách xuất khẩu quá hời, gây không ít sóng gió cho thị trường các nước phát triển. Nhớ lại Nhật Bản bước ra từ Chiến tranh thế giới thứ hai với hơn 20 năm duy trì tỷ giá đồng yên ở mức thấp so với đồng USD, và chỉ bằng cách đó, Nhật Bản mới nhanh chóng phát triển nhờ mở rộng xuất khẩu, vươn lên vị trí cường quốc thứ hai thế giới và đứng vững ở vị trí này suốt gần nửa thế kỷ. Giờ đây, Trung Quốc đang toan lặp lại bước đi như vậy. Song sự khác biệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc là ở chỗ, dân số Nhật Bản chỉ là hơn 120 triệu người, trong khi dân số Trung Quốc là 1,3 tỉ người, trình độ phát triển thấp, sức lao động rẻ. Trung Quốc đã đi được một chặng dài trên con đường phát triển và chính sách của Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế thế giới. Liệu Trung Quốc có tính đến số phận chung của con tàu kinh tế thế giới? Đối với Trung Quốc, việc thả nổi tỷ giá đồng nội tệ cũng có nghĩa là phải từ bỏ xu hướng xuất khẩu là chính và chuyển sang kích cầu tiêu dùng nội địa. Việc này sẽ tạo ta những nhu cầu mới, nâng cao mức tiêu dùng của người dân Trung Quốc, trong khi hiện nay, chỉ số tiêu dùng của người dân nước này vẫn ở mức rất thấp, chỉ vào khoảng 30-40% thu nhập. Cũng như Mỹ, tình huống này cũng đòi hỏi Trung Quốc phải có sự hy sinh nhất định.

Nếu Mỹ và Trung Quốc không chấp nhận hy sinh, không tiến hành cải cách chính hệ thống tiền tệ của mình, mà vẫn như trước đây, toan giải quyết bằng cách dựa vào nước khác, thì tình trạng khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu sẽ không bao giờ kết thúc. Và việc loay hoay định nghĩa lại các hệ thống tiền tệ, hay tìm kiếm các định chế kiểm soát mới... mà Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Pa-ri đầu năm 2011 này hướng tới, đều chỉ là tìm cách xoa dịu các biến chứng, chứ không phải là điều trị tận gốc căn bệnh khủng hoảng dường như ngày một trầm kha./.