Anh - Mỹ và câu chuyện hậu Brexit

Theo Hoa Huyền/cstc.cand.com.vn

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và các quan chức hàng đầu của Mỹ vừa có loạt chuyến thăm đến Anh. Các chính khách Mỹ đã có nhiều cuộc tiếp xúc quan trọng trong bối cảnh Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10-2019.

Tổng thống Mỹ D.Trump và cựu Thủ tướng Theresa May. Ảnh: Newbeezez.
Tổng thống Mỹ D.Trump và cựu Thủ tướng Theresa May. Ảnh: Newbeezez.

Các chuyến thăm được đánh giá nhằm thúc đẩy hợp tác và tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương giữa hai nước; siết lại quan hệ đồng minh cho dù không hề dễ dàng. Hai nước đều hiểu, không thể bỏ nhau trong thế giới đầy biến động với sự vươn lên của các cường quốc mới.

Sự nồng hậu bất thường

Trong khuổn khổ chuyến thăm, ngoài lịch trình làm việc với các quan chức Anh, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton còn có cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Cuộc gặp này đã đánh dấu việc ông Bolton trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp tân Thủ tướng Anh Boris Johnson kể từ khi ông Johnson lên thay bà Theresa May lãnh đạo nước Anh ngày 23-7-2019.

Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Mỹ ủng hộ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không thỏa thuận, hay còn gọi là Brexit "cứng" và sẽ để đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại ký với Anh. Ông Bolton nhấn mạnh, Anh sẽ là ưu tiên đầu tiên để Mỹ ký thỏa thuận thương mại và cho biết các thỏa thuận này có thể được ký theo từng lĩnh vực riêng rẽ, đó thỏa thuận trong ngành sản xuất sẽ được ký đầu tiên.

Ông Bolton cho biết thêm, cả hai đảng chính trị lớn của Mỹ tại quốc hội đều ủng hộ việc nhanh chóng thông qua các thỏa thuận thương mại với Anh vì thời điểm Anh rời EU chỉ còn hơn 2 tháng nữa.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trước báo giới đã bày tỏ hi vọng rằng tuy các đối tác Mỹ là những nhà đàm phán cứng rắn song Anh sẽ đạt thỏa thuận thương mại lớn với Mỹ, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành dịch vụ, tiến vào thị trường Mỹ. Mặc dù vậy, Thủ tướng Anh cũng khẳng định thêm, thỏa thuận thương mại quan trọng nhất mà Anh cần đạt được hiện nay vẫn là với EU - các đối tác của Anh ở bên kia eo biển Manche.

Một quan chức khác của Mỹ cho biết, trong chuyến thăm London lần này, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss về khả năng lãnh đạo của hai nước sẽ ký kết một tuyên bố liên quan đến lộ trình đàm phán thỏa thuận thương mại song phương. Về vấn đề này, quan chức Mỹ trên cho biết, việc ký kết tuyên bố lộ trình đàm phán có thể sẽ diễn ra ngay tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) dự kiến sẽ diễn ra tại Pháp vào ngày 24 đến 26 tháng 8.

Quan chức Mỹ cũng cho biết về cuộc thảo luận giữa Cố vấn An ninh John Bolton và Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid về khả năng hai nước sẽ ký kết một thỏa thuận thương mại tạm thời, bao trùm mọi lĩnh vực và thỏa thuận này có thể có hiệu lực trong khoảng 6 tháng.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa Anh sẽ rời EU nhưng hiện Anh và EU vẫn chưa thể thông qua một thỏa thuận Brexit do thỏa thuận được hai bên ký kết hồi tháng 11-2018 không được Quốc hội Anh ủng hộ, trong khi phía EU vẫn từ chối đàm phán lại và luôn khẳng định đây là thỏa thuận tốt nhất. Sự bế tắc này khiến Anh đối mặt nguy cơ sẽ phải “cắt đứt” quan hệ với EU một cách đột ngột, không có giai đoạn chuyển tiếp hay một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý trong các lĩnh vực như thương mại, truyền tải dữ liệu và chính sách biên giới, khiến giới doanh nghiệp ở Anh bất an.

Việc Anh rời khỏi EU không thỏa thuận cũng được xem sẽ là "cú sốc" đối với London, gây ra hậu quả nghiêm trọng về các nguồn cung hàng hóa bị đứt gãy cũng như khiến nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của nước này suy yếu.

Trong bối cảnh khả năng tìm kiếm những thỏa thuận để tiến trình Brexit được diễn ra “êm thấm” là rất khó, những nghị sĩ ủng hộ Brexit ở Anh đang rất kỳ vọng Thủ tướng Boris Johnson sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại rộng với Mỹ, một đồng minh thân cận nhất của Anh, để bù đắp lại những thiệt hại cho ngành kinh tế Anh sau khi Brexit diễn ra.

Theo số liệu của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, năm 2018, thặng dư thương mại Mỹ-Anh là 20 tỷ USD. Hai bên trao đổi số lượng hàng hóa và dịch vụ tổng trị giá 262 tỷ USD. Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Mỹ. Dịch vụ tài chính và máy bay là những hạng mục xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang Anh. Ở chiều ngược lại, ô tô và du lịch là những hạng mục xuất khẩu hàng đầu.

Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss mới đây cho biết, hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Anh và mỗi bên đã đầu tư cho nền kinh tế của nhau hơn 1.000 tỷ USD. Vì vậy, tăng cường hợp tác thương mại đang được xem là mục tiêu mà lãnh đạo hai nước Anh và Mỹ đang hướng tới.

Trên thực tế, kể từ sau khi ông Johnson giành chiến thắng và trở thành Thủ tướng Anh, chỉ hơn một tuần sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có 2 cuộc điện đàm để bàn về mối quan hệ hợp tác song phương, thỏa thuận tự do thương mại giữa hai nước thời kỳ hậu Brexit và vấn đề an ninh toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nữ hoàng Anh. Ảnh: Reibra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nữ hoàng Anh. Ảnh: Reibra.

Với nhiều quan điểm khá tương đồng giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Anh, nhiều nhà phân tích cũng đã nhận định mối quan hệ giữa hai nước đồng minh này sẽ “nồng ấm” hơn trước. Tổng thống Trump đã khẳng định, hai nước có thể đạt được đột phá trong quan hệ trên mọi lĩnh vực.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nhiều lần công khai ủng hộ ông Johnson trong chiến dịch vận động bỏ phiếu trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh. Ngày 5-8 vừa qua, việc Anh quyết định tham gia các lực lượng bảo vệ tàu thương mại tại Vùng Vịnh theo sáng kiến của Mỹ đã thể hiện sự thay đổi chính sách lớn tại Anh.

Chuyện hay... sau Brexit

Dù lãnh đạo và quan chức cấp cao giữa Mỹ và Anh đến nay vẫn khẳng định sẽ nhanh chóng hướng tới một thỏa thuận thương mại song phương, song đánh giá về triển vọng của thỏa thuận thương mại này, giới quan sát nhận định việc đạt thỏa thuận thương mại diện rộng giữa hai nước sẽ không thể dễ dàng.

Chuyên gia thương mại của Trung tâm Cải cách châu Âu Sam Lowe cho biết, ông hoài nghi về khả năng Quốc hội Mỹ sẽ ủng hộ kiểu ký các thỏa thuận thương mại theo từng lĩnh vực vì trước đây Mỹ từng phản đối đề xuất của EU về việc chỉ đàm phán thỏa thuận về lĩnh vực hàng hóa công nghiệp mà không đưa vào đàm phán điều khoản về lĩnh vực nông nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, việc hai quốc gia vẫn tồn tại những vấn đề gai góc liên quan tới các tiêu chuẩn nông nghiệp khác biệt, hay việc nhiều chính trị gia Anh phản đối sự gia tăng vai trò của các công ty dược phẩm Mỹ trong Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Anh cũng sẽ khiến thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh khó được đẩy nhanh.

Có thể thấy, với tân Thủ tướng Anh, việc có thể ký kết một thỏa thuận thương mại nhanh gọn với Mỹ sẽ phát đi thông điệp quan trọng chứng tỏ London có thể tự đứng trên đôi chân của mình khi rời EU. Song, cũng có không ít cảnh báo rằng việc ông Johnson sẵn sàng đưa Anh ra khỏi EU mà không cần thỏa thuận với các đối tác lâu năm trong khối sẽ là điểm yếu để Tổng thống Trump "bắt thóp" trong quá trình đàm phán.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers nhận định từ quan điểm của Mỹ, cho rằng toàn khối châu Âu mang lại lợi ích nhiều hơn cho Mỹ so với một nước Anh đơn lẻ, vì vậy càng có ít lý do để Mỹ phải nhượng bộ trong đàm phán với Anh. Không những vậy, việc tháng 7 vừa qua Chính phủ Anh tiết lộ kế hoạch áp thuế 2% bắt đầu từ tháng 4-2020 với các “gã khổng lồ công nghệ” của Mỹ kiếm tiền từ người dùng ở Anh như Amazon, Google và Facebook... cũng được xem là yếu tố có thể gây bất lợi cho quá trình đàm phán thương mại giữa hai nước.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: ABC.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: ABC.

Đáp lại động thái này của Anh, Mỹ lập tức cũng đe dọa rằng sẽ sẵn sàng từ bỏ thỏa thuận tự do thương mại hậu Brexit nếu Anh không rút lại kế hoạch áp thuế với các công ty của Mỹ.

Nhìn vào thực tế thấy rõ, Chính phủ Anh luôn chờ đợi các chuyến thăm của giới chức Mỹ tới “xứ sở sương mù”, bởi các chuyến thăm này sẽ thúc đẩy “quan hệ đặc biệt” giữa Anh với đồng minh số 1 Mỹ thời hậu Brexit. Không chỉ chuyến thắm của cố vấn John Bolton.

Việc Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo cũng vừa kết thúc chuyến thăm Anh và đánh giá cao quan hệ giữa Mỹ và Anh, đồng thời khẳng định hai nước sẽ duy trì mối quan hệ vững chắc bất kể kết quả Brexit như thế nào đã cho thấy động lực thúc đẩy “mối quan hệ đặc biệt” này.

Sự kỳ vọng của Chính phủ Anh vào mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ được thể hiện rõ nét qua việc bà May là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Mỹ sau khi ông Trump trở thành tổng thống hồi tháng 1-2017. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi đặt trong bối cảnh Anh đã quyết định rời khỏi EU.

Đặc biệt trong bối cảnh Anh phải lùi thời hạn Brexit sau khi cơ quan lập pháp nước này 3 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit mà bà May đạt được với các nhà lãnh đạo EU hồi tháng 11-2018, hơn bao giờ hết Anh cần Mỹ tạo cho một mối quan hệ hậu Brexit.

Một thực tế không thể phủ nhận rằng kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Anh vẫn luôn cần mối quan hệ đặc biệt với Mỹ để duy trì vị thế của một cường quốc thế giới.

Ngay sau chuyến thăm Anh của Tổng thống Mỹ Trump, ngày 24-7, Anh và Mỹ chính thức bước vào vòng đàm phán đầu tiên, liên quan đến một thỏa thuận thương mại song phương mới, nhằm đối phó với những kịch bản sau Brexit. Dự báo Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Mỹ có thể giúp Anh có thêm 40 tỷ bảng vào năm 2030 nên không ngạc nhiên khi đa số các chính trị gia ủng hộ phương án một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa hai bên.

Đây cũng là mục tiêu lý tưởng với một nước Anh hậu Brexit khi vừa phải đối mặt với nhiều nguy cơ về kinh tế, vừa mong muốn tiếp tục giữ tiếng nói trong các thể chế tài chính toàn cầu. Quan hệ Anh - Mỹ không chỉ dựa trên lĩnh vực chính trị và kinh tế mà còn đan xen lợi ích trong tất cả các lĩnh vực.

Trong một thế kỷ qua, hợp tác giữa Mỹ và Anh về an ninh, tình báo cũng như quốc phòng là một sự hợp tác hết sức bền chặt. Mặc dù giữa Anh và Mỹ đã có những bất đồng quan điểm về việc Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay Anh “thất vọng” trước việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép, song “quan hệ đặc biệt” giữa hai bên luôn giúp hóa giải mọi vấn đề. Vì thế, Mỹ - Anh luôn muốn nỗ lực cải thiện và củng cố mối quan hệ đặc biệt xuyên Đại Tây Dương.

Mối quan hệ đặc biệt

Cụm từ “mối quan hệ đặc biệt” Mỹ-Anh được Thủ tướng Anh Winston Churchill đề cập lần đầu tiên trong bài diễn văn lịch sử “Những rường cột của hòa bình” (Sinews of Peace) tại Đại học Westminster ở Missouri năm 1946. Trong đó, ông Churchill nhấn mạnh, Anh và Mỹ có “mối liên kết anh em của các dân tộc nói tiếng Anh”.

Trên thực tế, mối quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ không chỉ dựa trên quan hệ về lịch sử, chính trị và kinh tế mà còn đan xen lợi ích trong tất cả các lĩnh vực. Trong một thế kỷ qua, hợp tác giữa Mỹ và Anh về an ninh, tình báo cũng như quốc phòng là một sự hợp tác hết sức bền chặt.

Tuy nhiên, quan hệ gần gũi nhiều thập niên giữa Anh và Mỹ đã phai nhạt kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền. Với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, Washington theo đuổi những chính sách khác với mong muốn của London cũng như các nước đồng minh truyền thống ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Điển hình là việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức)...

Thậm chí, Washington không ít lần căng thẳng với các quốc gia châu Âu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi yêu cầu những nước này tăng ngân sách quốc phòng... Dù không nhắm trực tiếp vào London, song những đòi hỏi trên đã ít nhiều ảnh hưởng đến mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ. Hơn nữa, trong thời gian qua, quan hệ Anh-Mỹ cũng có những bất đồng trong vấn đề đàm phán thương mại, Anh “thất vọng” trước việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép, vấn đề liên quan tới Tập đoàn Huawei của Trung Quốc cũng như vấn đề Brexit...

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày một gia tăng, mối quan hệ Mỹ-EU không “xuôi chèo mát mái” cũng như tiến trình Brexit sắp đi tới hạn chót, việc Anh-Mỹ cùng nhất trí cam kết thúc đẩy một hiệp định thương mại song phương “đầy tham vọng” sau Brexit sẽ giải được “bài toán khó” cho cả đôi bên.