Anh xem xét sửa đổi Hiệp định Belfast?

Theo Ngọc Khánh/daibieunhandan.vn

Báo Daily Telegraph của Anh đưa tin, Thủ tướng Anh Theresa May đang cân nhắc sửa đổi Hiệp định Belfast, còn được biết đến là Hiệp định Thứ Sáu tốt lành (GFA) năm 1998, tìm lối thoát cho tiến trình Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang bế tắc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo nguồn tin trên, kế hoạch sửa đổi Hiệp định Belfast được Thủ tướng May cân nhắc sau khi từ bỏ nỗ lực đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giữa các chính đảng trong Quốc hội Anh về Brexit. Kế hoạch của bà May sửa đổi Hiệp định Belfast nhằm cho phép Anh và Cộng hòa Ireland thống nhất về một loạt nguyên tắc riêng rẽ, hoặc bổ sung nội dung trong thỏa thuận để bảo đảm một biên giới mở giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland, sau khi Anh rời EU.

Trước đó, Thủ tướng May đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 15/1, khi các nghị sĩ bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đã nhất trí tháng 11/2018. Nhiều nghị sĩ Anh phản đối các điều khoản “chốt chặn cuối”, nhằm ngăn kịch bản dựng lên đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland hậu Brexit.

Theo Hiệp định Belfast, các chốt kiểm tra biên giới giữa hai vùng trên đảo Ireland đều bị dỡ bỏ và vùng lãnh thổ Bắc Ireland được điều hành theo cấu trúc chia sẻ quyền lực giữa phe ủng hộ Cộng hòa Ireland và phe ủng hộ Liên hiệp Vương quốc Anh. Hiệp định Belfast được ký kết năm 1998 đã giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 30 năm tại vùng Bắc Ireland, giữa những người dân tộc chủ nghĩa Bắc Ireland và những người hợp nhất chủ nghĩa ủng hộ Liên hiệp Vương quốc Anh. 

Tờ Daily Telegraph dẫn các nguồn tin cấp cao EU cho rằng, kế hoạch trên không có triển vọng thành công, trong khi các nguồn tin Chính phủ Anh tỏ ra “bi quan” bởi khả năng phương án này sẽ gây tranh cãi và cần sự đồng thuận từ tất cả các đảng phái đại diện tại cơ quan lập pháp vùng Bắc Ireland. Trong khi đó, báo Sunday Times và Sky News đều đưa ra những nhận định rằng, Chính phủ Anh muốn dùng kế hoạch này để có thể loại bỏ điều khoản “chốt chặn cuối” gây tranh cãi trong thỏa thuận Brexit. 

Tuy nhiên, Dinh Thủ tướng tại số 10 phố Downing đã bác bỏ thông tin về việc Anh xem xét sửa Hiệp định Belfast, trong bối cảnh Thủ tướng May chuẩn bị trình Quốc hội “kế hoạch B” sau khi thỏa thuận Brexit bị Hạ viện phủ quyết. Cho đến nay, các nhà lãnh đạo EU đều loại bỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận Brexit với Anh và phát tín hiệu về khả năng trì hoãn thời hạn Brexit.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết, khả năng đàm phán lại thỏa thuận Brexit là rất thấp bởi cần có sự ủng hộ của 27 nước thành viên, trong khi nhiều nước tỏ ra không sẵn sàng. Tuy nhiên, theo ông Maas, EU cũng sẽ đợi xem Chính phủ Anh có thể đưa ra những đề nghị gì bởi vẫn có một số quốc gia thành viên EU tỏ ra cởi mở hơn về vấn đề này.