Bất ổn tài chính tăng cao ở Trung Quốc
Từ khó khăn thanh khoản của các ngân hàng nông thôn đến tình trạng nợ nần của người tiêu dùng và tái cơ cấu trái phiếu chưa từng có tiền lệ…, các dấu hiệu căng thẳng tài chính ở Trung Quốc đang đặt các nhà hoạch định chính sách nước này trước một bài toán khó giải.
Hiện các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực phải đối mặt với tình thế lưỡng nan khi vừa phải cố gắng hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lấy lại đà tăng trưởng, song lại không khuyến khích rủi ro đạo đức và đầu tư mạo hiểm. Trong khi “chi phí” cho các hành động giải cứu những ngân hàng gặp khó khăn và kích thích kinh tế cũng ngày càng lớn hơn do nguy cơ vỡ nợ tăng và kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.
Trong số các thách thức của Trung Quốc hiện nay, nổi lên là tình trạng sức khỏe rất đang lo ngại của các nhà cho vay nhỏ và các doanh nghiệp nhà nước. Đáng quan ngại hơn là những thực thể này lại có mối liên kết tài chính nên có thể dẫn tới vòng xoáy đi xuống nếu không có sự hỗ trợ từ chính phủ. Việc Tewoo Group – một doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm cơ sở hạ tầng, hậu cần, khai khoáng, ôtô và cảng biển - đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ đã làm dấy lên nỗi lo ngại về sự hỗn loạn tài chính ở Thiên Tân.
Những nỗi lo tương tự đã xuất hiện trên khắp đất nước trong những tháng gần đây, thường tập trung vào các ngân hàng nhỏ. Niềm tin vào các tổ chức này đã suy giảm mạnh trong thời gian gần đây sau khi các nhà chức trách buộc phải nắm quyền kiểm soát của một ngân hàng nhỏ và áp đặt tổn thất lên một số chủ nợ. Các nhà chức trách cũng đã phải ra tay can thiệp ít nhất là hai lần để ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt và giải cứu cho hai ngân hàng khác.
Trong Báo cáo ổn định tài chính hàng năm vừa được công bố tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã mô tả 586 trong số gần 4.400 định chế cho vay của nước này là rủi ro cao, tăng nhẹ so với năm ngoái. Báo cáo cũng nhấn mạnh những nguy cơ liên quan đến đòn bẩy tiêu dùng gia tăng khi mà tỷ lệ nợ trên thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Trung Quốc đã tăng vọt lên 99,9% trong năm 2018 từ mức 93,4% của một năm trước đó.
PBoC và các cơ quan quản lý khác từ lâu đã cảnh báo về những rủi ro vay nợ quá mức của doanh nghiệp, đã tăng lên mức kỷ lục 165% GDP trong năm 2018, theo Bloomberg Economics. Vì lẽ đó hiện các nhà đầu tư đang đặt cược rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ siết chặt quản lý rủi ro tài chính và giữ cho nền kinh tế thoát khỏi những bất ổn hiện nay.
PBoC và các cơ quan quản lý khác cho biết họ đang buộc các ngân hàng gặp khó khăn phải tăng vốn, cắt giảm các khoản nợ xấu, hạn chế chia cổ tức và thay người quản lý. Họ cũng đã thực hiện một gói các biện pháp sâu rộng nhằm khuyến khích sáp nhập giữa các ngân hàng nhỏ cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với các định chế này.
Thế nhưng cũng có dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách đang ngày càng lo ngại về những rủi ro suy giảm của nền kinh tế. Theo đó, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư tuần trước rằng họ đã yêu cầu chính quyền địa phương đẩy nhanh việc phát hành nợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Động thái này đã làm nổi bật vấn đề nan giải chính sách mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đối mặt: Mặc dù các biện pháp hỗ trợ như vậy có thể giúp củng cố sự ổn định kinh tế và tài chính trong ngắn hạn, nhưng rủi ro là nợ trong nền kinh tế gia tăng.
Các nhà chức trách đã cố gắng “đưa kỷ luật vào thị trường, nhưng mỗi khi điều đó xảy ra, hậu quả trở nên đáng sợ nên họ quay trở lại”, Michael Pettis - Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh nói. “Bạn càng cố gắng giải quyết nó, thị trường càng trở nên méo mó và hậu quả cũng ngày càng lớn hơn”.