Bê bối ngành ngân hàng Australia gây sốc thế giới

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Nhận hối lộ, làm giả giấy tờ, nói dối nhà chức trách, tính phí đối với cả khách hàng đã chết…nhiều ngân hàng lớn của Australia thực sự đang khiến công chúng thất vọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một cuộc điều tra trong ngành dịch vụ tài chính Australia đã đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ việc gây sốc dư luận, khiến cho nhiều nhà quản lý kỳ cựu mất việc và “thổi bay” hàng tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của những ngân hàng lớn nhất thế giới.

Mọi chuyện có thể chỉ là khởi đầu. Ủy ban Hoàng gia, mới được thành lập bởi chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull, sẽ vẫn còn tiếp tục các cuộc điều tra thêm nhiều tháng nữa.

Ai đang bị điều tra?

4 ngân hàng lớn nhất Australia bao gồm Ngân hàng Thịnh vượng Australia (CBA), ngân hàng Westpac, ngân hàng quốc gia Australia và ngân hàng ANZ đang đối đầu với quá nhiều bê bối.

Các cáo buộc về hành vi sai trái của các ngân hàng bao gồm: đưa ra lời khuyên tài chính sai lệch cho đến thao túng lãi suất chuẩn.

Sự phẫn nộ của công chúng, bắt nguồn từ việc ngân hàng tính phí cao kỷ lục cũng như trả lương quá cao cho những nhà điều hành, đã ngày một tăng cao khi Ngân hàng Thịnh vượng Australia bị kiện vì đã phá vỡ các quy định chống rửa tiền.

Thủ tướng Australia, ông Turnbull, người đã dành nhiều tháng bảo vệ quan điểm rằng không cần thiết phải điều tra, cuối cùng đã phải lùi bước trước áp lực dư luận và đề nghị ủy ban hoàng gia điều tra từ tháng 11/2017.

Ủy ban Hoàng gia đang điều tra những gì?

Tại tòa án ở Melbourne, các luật sư đang xem xét đến hàng loạt những vụ việc của người tiêu dùng để tìm hiểu về những hành vi sai trái không đạt chuẩn mực và kỳ vọng của cộng đồng.

Cho đến nay, Ủy ban mới điều tra về lĩnh vực tài chính tiêu dùng và tư vấn tài chính, Ủy ban có nhiều phiên điều trần về hoạt động tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ bắt đầu từ ngày 21/5/2018. Ủy ban sẽ đưa ra báo cáo lần đầu vào tháng 9/2018.

Kết quả điều tra đến hiện tại là gì?

Thông tin đưa ra công chúng từ ngày 13/3/2018 đến nay cho thấy nhiều nhân viên của Ngân hàng quốc gia Australia có nhận hối lộ tiền mặt để làm sai lệch hồ sơ thế chấp dựa trên giấy tờ giả mạo; CBA trong khi đó lại tính phí đối với cả khách hàng đã chết cho những lời khuyên mà khách hàng không hề được lắng nghe; nhân viên ngân hàng Westpac tư vấn ẩu cho khách hàng đến nỗi một y tá mất cả nhà; ngân hàng AMP trong khi đó chủ tâm lừa dối Ủy ban Chứng khoán và đầu tư Australia.

Một cuộc điều tra về văn hóa quản trị tại CBA cho thấy đã có một sự đồng thuận cao từ trên xuống dưới về việc lừa người đi vay đến rủi ro.

Hậu quả là gì?

Cho đến nay, chính phủ Australia đã áp dụng chính sách mới rất cứng rắn để trừng phạt hành vi sai trái của doanh nghiệp cũng như tăng thêm quyền lực của cơ quan quản lý; giới chuyên gia phân tích trong khi đó đã giảm dự báo lợi nhuận và dự báo cơ quan quản lý sẽ còn đưa ra thêm biện pháp buộc những ngân hàng lớn nhất ngưng bộ phận tư vấn.

Chủ tịch, giám đốc điều hành và ba thành viên của ngân hàng AMP có lịch sử 169 năm hoạt động đã phải từ chức. Tất cả những điều này diễn ra ở thời điểm lợi nhuận của ngân hàng chịu áp lực từ thị trường bất động sản tăng trưởng chững lại, chi phí và lợi nhuận đều tăng cao.

Phần lớn các ngân hàng đang cố gắng đơn giản hóa hoạt động và bán đi các bộ phận kinh doanh phụ. Nhiều ngân hàng đóng cửa bộ phận tư vấn tài sản, tài chính - nguồn gốc của quá nhiều bê bối. Theo lời của CEO ngân hàng ANZ, thời hoàng kim của các ngân hàng đã qua.

Ảnh hưởng đối với thế giới như thế nào?

Khoảng từ 20% đến 25% cổ phiếu của 4 ngân hàng lớn nhất được bán ở nước ngoài. Quỹ của Mỹ như BlackRock và hay quỹ của Nauy như Vanguard và quỹ hưu trí của Nhật hiện đang nắm giữ nhiều nhất cổ phiếu ngân hàng Australia.

Tính đến cuối ngày thứ Sáu tuần vừa qua, so với cùng kỳ năm trước, cổ phiếu AMP giảm 29%, cổ phiếu CBA giảm 14%; cổ phiếu Ngân hàng Quốc gia Australia giảm 12%; cổ phiếu ngân hàng Westpac giảm 9% còn cổ phiếu ngân hàng ANZ giảm 4%.