Các biện pháp hạn chế thương mại của thành viên WTO đang thật sự nghiêm trọng

Theo Wto.org/baoquocte.vn

Tình trạng bất ổn của thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra khi các biện pháp hạn chế thương mại tiếp tục tăng kỷ lục trong năm qua.

Các biện pháp hạn chế thương mại của thành viên WTO đang thật sự nghiêm trọng. Nguồn: Crichub.
Các biện pháp hạn chế thương mại của thành viên WTO đang thật sự nghiêm trọng. Nguồn: Crichub.

Theo báo cáo giữa kỳ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các khía cạnh phát triển liên quan tới thương mại công bố ngày 22/7/2019, thương mại thế giới đang bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng kỷ lục các biện pháp hạn chế thương mại của các thành viên WTO trong giai đoạn giữa tháng 10/2018 đến giữa tháng 5/2019.

Báo cáo đánh giá, tổng thiệt hại của các biện pháp hạn chế nhập khẩu trong thời gian rà soát trên là 339,5 tỷ USD, cao thứ hai sau mức kỷ lục của kỳ trước (10/2017 – 10/2018) là 588,3 tỷ USD.

Những con số này cho thấy, sự gia tăng đột biến của các biện pháp hạn chế nhập khẩu ngay sau giai đoạn các biện pháp hạn chế thương mại có xu hướng giảm từ giữa tháng 10/2014 đến giữa tháng 10/2017.

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo chia sẻ, “Bức tranh chung hiện nay rất đáng quan ngại. Báo cáo đã đưa ra bằng chứng về việc căng thẳng thương mại đang chi phối thương mại toàn cầu”.

Ông Azevêdo kêu gọi các thành viên WTO cần hợp tác để đẩy lùi tình trạng này: “Báo cáo đã đưa ra thông điệp cảnh báo về sự nghiêm trọng của tình hình. Căng thẳng thương mại hiện nay đã tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Chúng ta cần xử lý những căng thẳng đang làm gia tăng các rào cản thương mại, bất ổn và tăng trưởng thương mại giảm sút”.

Báo cáo chỉ ra căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng đang dẫn đến sự bất ổn đối với thương mại thế giới và nền kinh tế toàn cầu, trong đó, các nền kinh tế G20 là những nước bị thiệt hại nặng nhất, do các biện pháp hạn chế nhập khẩu trong khoảng thời gian rà soát. Báo cáo đã cung cấp bằng chứng đối với nhận định trước đây là những bất ổn sẽ tiếp tục diễn ra sau giai đoạn từ giữa tháng 10/2017 đến giữa tháng 10/2018. Hầu hết các biện pháp này đều vẫn đang được áp dụng, trong khi các biện pháp mới lại tiếp tục được đưa ra ở mức cao nhất trong lịch sử.

Báo cáo cho thấy, các thành viên WTO đã áp dụng 38 biện pháp hạn chế thương mại mới trong khoảng thời gian rà soát, trong đó chủ yếu là các biện pháp như tăng thuế quan, cấm nhập khẩu, phòng vệ đặc biệt, thuế nhập khẩu và xuất khẩu.

Ước tính thiệt hại của các biện pháp hạn chế nhập khẩu cao hơn 44% so với mức trung bình từ năm 2012. Báo cáo cho biết, một số các biện pháp hạn chế thương mại có tác động mạnh đến thương mại toàn cầu sẽ được áp dụng ngay sau thời gian rà soát trên hoặc đang được tham vấn để áp dụng trong thời gian tới. Điều này cho thấy tình trạng bất ổn của thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra.

Các thành viên WTO cũng đã áp dụng 47 các biện pháp mới nhằm thúc đẩy thương mại trong thời kỳ rà soát, bao gồm xóa bỏ hoặc giảm thuế nhập khẩu, xóa bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục hải quan cho xuất khẩu và giảm thuế nhập khẩu. Trung bình có 7 biện pháp thúc đẩy thương mại mới được áp dụng trong 1 tháng – là mức thấp nhất từ năm 2012. Tổng giá trị của các biện pháp thúc đẩy nhập khẩu áp dùng trong thời kỳ rà soát vào khoảng 398,2 tỷ USD.

Theo kết quả rà soát, lần đầu tiên từ năm 2012, số lượng các cuộc điều tra phòng vệ thương mại được hủy bỏ nhiều hơn số lượng khởi xướng các các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo đó, trung bình 1 tháng có 16 vụ hủy điều tra về phòng vệ thương mại và 14 vụ khởi xướng điều tra về phòng vệ thương mại; số lượng trung bình các vụ khởi xướng điều tra trong 1 tháng ở mức ít nhất từ năm 2012.

Điều tra chống bán phá giá là biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng nhiều nhất, chiếm 3/4 tổng các vụ việc được khởi xướng. Ước tính tổng giá trị các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đã khởi xướng là khoảng 20,2 tỷ USD, trong khi đó, tổng giá trị của các vụ điều tra phòng vệ thương mại đã hủy là khoảng 16,4 tỷ USD.

Trước tình hình đó, báo cáo của WTO kêu gọi các nước thành viên thực hiện cam kết đối với thương mại và hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và gấp rút xử lý tình trạng căng thẳng thương mại nhằm củng cố và đẩy mạnh hoạt động của WTO.