Các hãng công nghệ hàng đầu chỉ trích thuế kỹ thuật số của Pháp

Theo Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật áp thuế 3% tổng thu nhập hằng năm đối với các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số lớn nhất ở nước này (phần lớn trong số này là các công ty có trụ sở tại Mỹ).

Các gã khổng lồ chỉ trích việc Pháp áp thuế dịch vụ kỹ thuật số. (Nguồn: AFP)
Các gã khổng lồ chỉ trích việc Pháp áp thuế dịch vụ kỹ thuật số. (Nguồn: AFP)

Các "gã khổng lồ" về công nghệ của Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon (gọi tắt là GAFA), ngày 19/8 đã cùng nhau lên tiếng chỉ trích việc Pháp áp thuế dịch vụ kỹ thuật số, coi đây là hành động "phân biệt đối xử."

Ngày 11/7 vừa qua, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật áp thuế 3% tổng thu nhập hằng năm đối với các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số lớn nhất ở nước này (phần lớn trong số này là các công ty có trụ sở tại Mỹ).

Mức thuế mới này được áp dụng với khoảng 30 công ty có doanh thu ít nhất 28 triệu USD tại Pháp và 831 triệu USD trên toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc trả đũa loại thuế nói trên của Pháp bằng các mức thuế đánh vào mặt hàng rượu vang nhập khẩu từ Pháp và Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã mở cuộc điều tra về việc này.

Tham gia một cuộc điều trần tại USTR về khả năng đáp trả, các công ty GAFA đã đồng loạt chỉ trích loại thuế mới nói trên của Pháp là "một tiền lệ đáng lo ngại."

Đại diện của Google nhấn mạnh thuế mới của Pháp chỉ áp dụng với "một vài doanh nghiệp Internet, trong khi mọi lĩnh vực đều đã số hóa," vì vậy chỉ đánh thuế một phần của ngành công nghiệp này là "vô nghĩa."

Trong khi đó, đại diện của Amazon cho rằng thuế mới của Pháp tạo ra tình huống "đánh thuế hai lần." Pháp là thị trường lớn thứ hai của Amazon ở châu Âu về thương mại điện tử. Khoảng 58% doanh số bán của Amazon thu được qua các công ty đối tác sẽ chịu tác động từ loại thuế mới của Pháp.

Loại thuế mới nói trên của Pháp bị Washington đánh giá là không công bằng, theo đó đã bổ sung thêm một bất đồng vào những tranh cãi thương mại xuyên Đại Tây Dương đến nay đã xảy ra trong các lĩnh vực nhôm, thép, ôtô, máy bay và nông nghiệp.