Các ngân hàng châu Á ứng phó với nợ xấu ra sao?

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Các ngân hàng ở châu Á sẽ đứng trước nhiều khó khăn trong 6 tháng tới, vì dịch bệnh Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp trong khu vực, có thể khiến các khoản nợ xấu tăng đột biến.

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC).
Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC).

Từ DBS - ngân hàng lớn nhất của Singapore, cho đến HSBC - ngân hàng lớn nhất ở Hồng Kông, đã liên tục cảnh báo trong hai tuần qua rằng họ sẽ phải trích lập dự phòng bổ sung cho các khoản vay phát hành trong quý I/2010.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc chưa cập nhật kế hoạch kinh doanh năm 2020, nhưng cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P dự báo tỷ lệ các khoản vay có vấn đề trong tổng số dư nợ 285.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 40.500 tỷ USD của hệ thống ngân hàng Trung Quốc, có thể tăng gần gấp đôi trong trường hợp xấu nhất.

HSBC xem Hồng Kông là thị trường lớn nhất và đã đặt cược vào tăng trưởng ở khu vực Vịnh Lớn, gần đây dự kiến sẽ trích thêm 600 triệu USD dự phòng cho các khoản nợ xấu phát sinh, nếu dịch Covid-19 trong trường hợp xấu nhất kéo dài đến nửa cuối năm nay. Còn DBS cho biết dự kiến chi phí tín dụng, số tiền dành cho các khoản nợ xấu sẽ tăng thêm 4-5 điểm cơ bản trong năm.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s cho biết tỷ lệ nợ xấu (NPL) tại DBS và các ngân hàng OCBC, UOB có thể sẽ tăng từ mức 1,5% vào cuối năm 2019 lên 1,6 - 1,7% trong năm nay, do ảnh hưởng từ sự gián đoạn của hoạt động kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm xuống mức 4,4% vào năm 2020 và ảnh hưởng đến nền kinh tế khu vực. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 6,1% trong năm ngoái, tốc độ chậm nhất trong 29 năm qua.

Ngân hàng Standard Chartered cho biết dịch Covid-19 có khả năng ảnh hưởng đến 42% GDP của Trung Quốc, vì tác động lên các ngành điện tử, ô tô, xây dựng, bán lẻ, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, bất động sản và giải trí.

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) và các cơ quan quản lý tài chính khác đã kêu gọi các ngân hàng thương mại cho vay nhiều hơn để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đồng thời cho biết nợ xấu nếu tăng nhẹ cũng sẽ được chấp nhận, nhằm đưa các công ty trở lại hoạt động càng sớm càng tốt. Các ngân hàng ở Hồng Kông và Singapore cũng đã công bố các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và khách hàng bán lẻ đang gặp khó.

Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng ở Trung Quốc và các nền kinh tế khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát dịch bệnh, bao gồm Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Tỷ lệ nợ xấu ở Trung Quốc là 1,8% vào cuối quý I/2019, trong khi tỷ lệ nợ xấu của Hồng Kông là 0,6% và Singapore là 1,3%, theo số liệu cập nhật gần nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Để dễ so sánh, tỷ lệ nợ xấu ở Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực sau Trung Quốc và Nhật Bản, là 8,9% vào cuối quý I năm ngoái, trong khi tại Mỹ là 0,9%.

Dịch bệnh đến vào thời điểm đầy thách thức đối với các ngân hàng ở châu Á, khi lợi nhuận vốn đã bị áp lực bởi việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trong khu vực và tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do thương chiến Mỹ - Trung. Một số thị trường, bao gồm Hồng Kông và Singapore, sẽ tăng thêm áp lực cạnh tranh khi chứng kiến sự ra mắt của các ngân hàng ảo, mà sẽ tác động tiêu cực lên lợi nhuận trong năm nay của các ngân hàng truyền thống. 

Dù vậy, chuyên gia phân tích tại JPMorgan khuyến nghị các nhà đầu tư nên đánh giá tích cực đối với lĩnh vực tài chính, vì định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn, bảng cân đối kế toán còn lành mạnh và ngành này có thể sẽ được hưởng lợi từ việc các điều kiện kinh tế sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nay.