Các ngân hàng trung ương đổ xô mua vàng

Theo Chánh Tài/nhadautu.vn

Thế giới tiêu thụ 4.345,1 tấn vàng trong năm 2018, tăng so với con số 4.159,9 tấn vào năm trước đó.

c76ee_nh

Khối lượng vàng (tấn) mua ròng của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong giai đoạn 2010-2018. Ảnh:Talkmarkets

 

Song thông tin đáng chú ý nhất là các ngân hàng trung ương thế giới mua ròng đến 651,5 tấn vàng vào năm ngoái, tăng đến 74% so với năm 2017 và đây là mức mua vàng cao kỷ lục của các ngân hàng trung ương từ năm 1971, theo báo cáo quý mới công bố gần đây của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), có trụ sở ở Anh.

Nhu cầu vàng tăng mạnh khi kinh tế bất ổn

Báo cáo của WGC cho biết các ngân hàng trung ương trên thế giới đang mua vàng với tốc độ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai do các lo ngại về các bất ổn địa chính trị và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo, trong năm 2018 ngân hàng trung ương của các nước như Nga, Trung Quốc, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan đều gia tăng mua vàng để bổ sung vào kho dự trữ vàng quốc gia. WGC ước tính các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang nắm giữ gần 34.000 tấn vàng.

Theo truyền thống, vàng được xem là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và kinh tế. Alistair Hewitt, Giám đốc thông tin thị trường của WGC, nói: “Kinh tế bất ổn và tăng trưởng trì trệ cũng như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ủng hộ dòng chảy đầu tư vào vàng”.

Ông Hewitt nhận định các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục đẩy mạnh mua vàng trong năm nay, trong khi đó, nhu cầu của hai thị trường vàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ giữ mức tăng trưởng ổn định. Ông dự báo Trung Quốc sẽ tiêu thụ 900-1000 tấn vàng trong năm nay và con số này ở Ấn Độ là 750-850 tấn vàng.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo các ngân hàng trung ương có thể mua vào khoảng 650 tấn vàng trong năm nay, tương đương với mức năm ngoái.

Theo Công ty nghiên cứu và quản lý đầu tư Bernstein, sự hồi sinh của thị trường vàng diễn ra nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố từ các rủi ro địa chính trị, các lo ngại về mức nợ công của các chính phủ, các vấn đề về nguồn cung vàng cũng như sự cảm nhận vàng mang lại lợi nhuận tốt hơn các tài sản khác.

Theo giới phân tích, làn sóng mua vàng của các ngân hàng trung ương đã hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng những tháng gần đây. Hôm 13-2, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế giao dịch vững vàng trên mốc 1.310 đô la/ounce. Tháng 8 năm ngoái, giá vàng tụt xuống dưới mốc 1.200 đô la/ounce, mức thấp nhất trong hơn hai năm rưỡi qua khi đồng đô la tăng giá và thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ.

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh mua vàng trong năm 2019?

Trong hai tháng qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng gia nhập làn sóng mua vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Số liệu của PBoC công bố hôm 11-2 cho thấy đến cuối tháng 1-2019, dự trữ vàng của PBoC tăng thêm 11,8 tấn so với cuối tháng 12-2018, lên mức 1.864 tấn. Trong tháng 12 năm ngoái, PBoC cũng đã mua gần 10 tấn vàng và đây là lần đầu tiên, ngân hàng này tăng dự trữ vàng kể từ tháng 10-2016.

Các nhà phân tích ở Ngân hàng Commerzbank (Đức) cho rằng vẫn còn quá sớm để dự báo PBoC sẽ tiếp tục đẩy mạnh mua vàng song các dữ liệu từ quá khứ cho thấy, PBoC có xu hướng bổ sung vàng vào kho dự trữ trong nhiều tháng liên tiếp.

Trong một báo cáo hồi tháng trước, Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa ở Công ty TD Securities (Canada) dự báo làn sóng mua vàng của các ngân hàng trung ương có thể đẩy giá vàng vượt mức 1.400 đô la/ounce vào năm 2020.

Melek cho rằng Trung Quốc có thể mua vàng mạnh mẽ trong thời gian tới. Ông nói: “Cho đến nay, dự trữ vàng của Trung Quốc vẫn còn rất nhỏ, chỉ chiếm 2% kho dự trữ ngoại hối tổng thể của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực tích lũy mức dự trữ vàng tương đương Mỹ, Đức, Pháp và Ý, nơi vàng chiếm hơn 60% giá trị của kho dự trữ ngoại hối quốc gia”.

Đồng tình với nhận định trên, nhà phân tích thị trường hàng hóa ở Ngân hàng Commerzbank, cho biết: “Trung Quốc chỉ đang sở hữu một lượng vàng tương đối nhỏ trong kho dự trữ ngoại hối. Vậy nên, nước này vẫn còn nhu cầu mua vàng”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trang tin Kitco News hồi tháng trước, Juan Carlos Artigas, Giám đốc nghiên cứu đầu tư của WGC, nói: “Nhiều ngân hàng trung ương giờ đây đang nhắm đến vàng khi họ giảm mức độ đô la hóa và đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối”.