Căng thẳng Mỹ - Iran ảnh hưởng thế nào đến kinh tế toàn cầu

Theo Như Tâm/ Yahoo Finance, Bangkok Post/ndh.vn

Mỹ cuối tuần trước không kích tiêu diệt một tướng quân sự của Iran, đẩy căng thẳng song phương lên cao. Sự thù địch leo thang sau khi Mỹ không kích diệt một tướng quân sự Iran có thể khiến kinh tế thế giới rung lắc, theo giới phân tích.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Tiêu diệt Qassem Soleimani, nhân vật quan trọng trong chính quyền Iran, trong đợt không kích cuối tuần trước làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran”, Jason Tuvey, kinh tế gia cấp cao về các thị trường mới nổi tại Capital Economics, nhận định.

“Kịch bản cơ sở của chúng tôi là kinh tế thế giới sẽ thoát đáy vào đầu năm nay và phục hồi sau đó. Nhưng nếu Mỹ và Iran có chiến tranh, sự phục hồi đó sẽ bị đóng băng”.

Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), bị tiêu diệt trong đợt không kích của quân đội Mỹ, theo chỉ thị từ Tổng thống Donald Trump, ở Baghdad, Iraq, hôm 3/1. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Soleimani là người tích cực lên kế hoạch tấn công quân nhân Mỹ tại khu vực.

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố “đáp trả mạnh mẽ” những người liên quan đến cái chết của Soleimani.

“Rõ ràng, lo ngại chính của kinh tế thế giới hiện nay là tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát và Mỹ tấn công quân sự tổng lực vào Iran”, theo Tuvey. “Hệ quả từ việc kinh tế Iran sụp đổ có thể khiến GDP toàn cầu mất 0,3% - tương đương thiệt hại ước tính từ thương chiến Mỹ - Trung”.

Những diễn biến mới lập tức tác động đến thị trường thế giới, đẩy giá dầu Brent tăng 4% ngay sau tin Mỹ không kích. Các tài sản an toàn như vàng và trái phiếu tăng giá mạnh, chứng khoán Mỹ giảm.

Căng thẳng Mỹ - Iran ảnh hưởng thế nào đến kinh tế toàn cầu - Ảnh 1

Thiếu tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Qassem Soleimani. Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu tăng

“Kịch bản cơ sở của chúng tôi là Mỹ và Iran khó xảy ra chiến tranh toàn diện”, Ian Shepherdson, kinh tế gia trưởng tại Pantheon Macroeconomics, cho biết. “Hạ tầng lĩnh vực dầu mỏ là mục tiêu tiềm năng khi hai bên đáp trả lẫn nhau”.

Một phương thức đáp trả khác là Iran phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến đường biển quan trọng, nơi hơn 20% sản lượng dầu toàn cầu được vận chuyển qua. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) gọi eo biển Hormuz là “nút thắt quan trọng nhất của thế giới”.

Iran từng đe dọa làm gián đoạn hàng hải tại eo Hormuz để đáp trả nỗ lực của Mỹ nhằm bóp nghẹt kinh tế Iran. Trong kịch bản này, Tuvey dự đoán giá dầu Brent sẽ lên tới 150 USD/thùng, đẩy lạm phát tại các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lên 3,5 – 4 điểm phần trăm.

Shepherdson lưu ý giá dầu tăng đồng nghĩa “đánh thuế lên người tiêu dùng và là trái ngọt với nhà sản xuất”.

“Lượng dầu tiêu thụ trên thế giới khoảng 100 triệu thùng/ngày. Giá dầu tăng 5 USD tương đương thuế 183 tỷ USD một năm, 0,1% GDP toàn cầu”.

Tuy nhiên, khả năng Fed tăng lãi suất để ứng phó lạm phát tăng vì giá dầu vẫn thấp bởi "họ hiểu rõ tác động của giá dầu tăng, tỷ lệ thất nghiệp thấp và khả năng lạm phát lõi đi lên do thuế nhập khẩu”.

“Mối quan tâm hiện tại là liệu biến động tại Trung Đông sẽ châm ngòi cho xu hướng bán tháo cổ phiếu, làm giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đến mức nào", Shepherdson kết luận.

Pimchanok Vonkorpon, tổng giám đốc văn phòng chiến lược và chính sách thương mại của Bộ Thương mại Thái Lan, cảnh báo giá dầu và vàng sẽ còn tăng nếu căng thẳng Mỹ - Iran không được giải quyết sớm.

Về trung và dài hạn, vụ việc có tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và kinh tế toàn cầu, bà Pimchanok cảnh báo.