Căng thẳng Mỹ-Trung gây hiệu ứng lan tỏa với các nền kinh tế mới nổi
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu, với những "hiệu ứng lan tỏa thực sự" đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi.
Theo các quan chức hàng đầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, là rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu, với những "hiệu ứng lan tỏa thực sự" đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi.
Giám đốc phụ trách các thị trường vốn và tiền tệ của IMF, Tobias Adrian, cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có tác động lớn đến các thị trường tài chính trong hai năm qua.
Trong khi đó, theo một quan chức khác của IMF, cuộc chiến này có thể có hiệu ứng lan tỏa đến các nền kinh tế nhỏ hơn.
Quan chức này hối thúc các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới tiếp tục phối hợp để giải quyết những căng thẳng thương mại khi đây là nguồn gốc gây ra những yếu tố không chắc chắn và các rủi ro suy giảm. Theo quan chức này, những hiệu ứng lây lan thực sự đang ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi.
Nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF ngày 15/10 đã hoan nghênh thỏa thuận thương mại một phần mà Mỹ và Trung Quốc đạt được trong tuần trước, đồng thời kêu gọi hai nước tiếp tuc làm việc để kết thúc những căng thẳng thương mại đang gây tác động tiêu cực lên lòng tin doanh nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bà Gopinath cho rằng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,8% nếu Mỹ và Trung Quốc áp các mức thuế bổ sung trong tháng 10 và tháng 12 tới, nhưng chỉ giảm 0,6% nếu hai bên ngừng tăng thuế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/10 cho biết thỏa thuận thương mại một phần đã đạt được với Trung Quốc hiện đang được chính thức ghi thành văn bản.
Tuần trước, ông Trump đã hoan nghênh bước đột phá về giai đoạn một của thỏa thuận với Trung Quốc mà theo ông là ý nghĩa, trong đó bao gồm việc Trung Quốc cam kết tăng cường mua nông sản của Mỹ và các vấn đề về sở hữu trí tuệ, các dịch vụ tài chính cũng như tiền tệ.