Căng thẳng Mỹ-Trung là tâm điểm tại Diễn đàn an ninh Shangri-La
Diễn đàn Shangri-La tại Singapore lần thứ 18 đã khai mạc hôm 31/5/2019. Tham gia vào hội nghị thường niên quan trọng nhất về an ninh và quốc phòng châu Á này có khoảng 60 bộ trưởng Quốc Phòng và quan chức cao cấp các nước. Hội nghị sẽ diễn ra đến ngày Chủ Nhật 2/6.
Các hồ sơ khác những năm trước
Diễn đàn thường niên về an ninh châu Á Shangri-La hiếm khi nào căng thẳng đến như vậy, kể từ khi được thành lập năm 2002. Thông thường tham gia vào hội thảo quốc tế này là các bài diễn văn ‘‘tụng đi tụng lại’’ một chủ đề : không ngừng tái khẳng định tính chất ổn định của khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải, là điều hệ trọng đối với phát triển thương mại.
Ngược lại, năm nay sẽ có hai hồ sơ khác hẳn nổi lên. Thứ nhất là tình hình bán đảo Triều Tiên. Quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, ông Patrick Shanahan, sẽ có cuộc gặp với các đồng nhiệm Nhật Bản và Hàn Quốc, để tìm cách tháo gỡ tình hình, vốn rơi vào bế tắc kể từ sau thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un tại Hà Nội, hồi tháng 2/2019.
Bên cạnh đó, nhiều thành viên tham gia hội thảo cũng cho rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ là chủ đề chi phối các thảo luận, họ lo ngại là cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể lan rộng sang lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Một giới chức cao cấp Lầu Năm Góc vừa tố cáo chủ tịch Trung Quốc đã nuốt lời, khi tiến hành quân sự hóa khu vực Biển Đông. Về phần mình, Bắc Kinh đã cử đích thân bộ trưởng Quốc Phòng tham dự Diễn đàn lần này, trong lúc trước đó thường chỉ có các quan chức cấp dưới đến Shangri-La. Đây là một bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của hội nghị Singapore ».
Kể từ năm 2011, Bắc Kinh không cử bộ trưởng Quốc Phòng đến Diễn đàn thường niên về an ninh châu Á, mà chỉ cử một số quan chức cấp thấp hơn. Năm 2011 cũng là năm duy nhất mà Trung Quốc cử lãnh đạo Quốc Phòng đến dự Shangri-La. Ngược lại, kể từ năm 2014, Trung Quốc tổ chức một hội nghị quốc tế thường niên khác về an ninh và quốc phòng tại Bắc Kinh, với mục tiêu đối trọng với Diễn đàn Singapore, nhằm khẳng định vị thế của một siêu cường đang lên. Chính vì vậy, quyết định cử lãnh đạo Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) tham dự Shangri-La của Trung Quốc được nhiều nhà quan sát đánh giá như một thay đổi quan trọng.
Trung Quốc điều chỉnh sách lược?
Sau nhiều năm, tại sao năm nay Bắc Kinh cử Bộ trưởng Quốc phòng tham dự hội nghị Shangri-La 2019? Theo giới phân tích quốc tế, với việc cử đại diện cấp cao tham dự Shangri-La, Trung Quốc đang điều chỉnh lại sách lược đối ngoại quân sự và an ninh, để không bị loại ra bên lề diễn đàn quốc tế về an ninh quan trọng bậc nhất này, đúng vào một thời điểm đặc biệt.
Đây là giai đoạn mà chính quyền Mỹ đang tiếp tục điều chỉnh chiến lược tại châu Á, với tên gọi mới « Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương ». Washington cũng tìm cách đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm huy động sự tham gia của các đồng minh và đối tác khu vực vào dự án bảo vệ an ninh, tự do hàng hải và một khu vực rộng mở. Trong chiến lược nói trên của Hoa Kỳ, Trung Quốc ngày càng bị chỉ mặt như mối đe dọa chính.
Nhân diễn đàn an ninh khu vực này, chính quyền Hoa Kỳ dự kiến công bố một chiến lược mới chống lại những tham vọng trên biển của Trung Quốc. Theo ông Randall Schriver, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, phụ trách An ninh châu Á – Thái Bình Dương, mục tiêu của chiến lược mới này là không để cho Trung Quốc « triển khai thêm các hệ thống quân sự » tại Biển Đông, và đòi hỏi Trung Quốc phải dỡ bỏ các hệ thống quân sự đã được xây dựng tại các đảo nhân tạo ở khu vực này.
Khả năng căng thẳng Mỹ - Trung về chủ đề Biển Đông dâng cao tại Diễn đàn Singapore cũng là điều được giới quan sát đặc biệt chú ý. Báo Ấn Độ Times of India nhấn mạnh là trong những tuần gần đây Washington không chỉ gia tăng các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, mà chính giới Mỹ cũng có thêm nỗ lực thúc đẩy tăng cường « khung pháp lý » nhằm trừng phạt các hoạt động bành trướng, quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 23/5/2019, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ, gồm cả hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ, đệ trình một dự luật theo hướng này. Dự luật yêu cầu ngoại trưởng Mỹ cứ 6 tháng một lần đệ trình lên Quốc Hội danh sách các cá nhân và các tổ chức Trung Quốc tham gia các dự án xây dựng tại các thực thể địa lý tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả các dự án viễn thông. Ngày 29/5, tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tố cáo chủ tịch Trung Quốc bội ước, khi biến nhiều thực thể địa lý ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự.
Một số nhà quan sát cho rằng, trước các áp lực của Mỹ, Bắc Kinh sẽ tỏ ra mềm mỏng tại Shangri-La. Hãng tin Nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, trong một thông cáo phát đi trước ngày bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa lên đường, cho biết mục tiêu của phái đoàn Trung Quốc tham dự Shangri-La lần này là để khẳng định chiến lược « hợp tác » nhằm tham gia vào việc duy trì an ninh và ổn định tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh là sự đóng góp của Trung Quốc mang lại « một hy vọng mới cho an ninh khu vực ».
Liệu thái độ tránh né nói trên của Bắc Kinh có tránh cho Trung Quốc cuộc đối đầu nảy lửa với Hoa Kỳ về Biển Đông? Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới trên đường đến Singapore, quyền Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan cho biết: trong cuộc gặp không chính thức ngày mai với đồng nhiệm Trung Quốc, ông sẽ trực tiếp đề cập đến vấn đề nóng bỏng: Các hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.