Châu Á sẽ dẫn đầu sự hồi phục toàn cầu vào cuối năm 2009

Theo TTXVN

Công ty Standard & Poor's (S&P) cho rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu sự hồi phục kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ 6 tháng cuối năm 2009, khi các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ phát huy tác dụng.

Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của S&P, ông Subir Gokarn, cho rằng động lực tăng trưởng đó sẽ tiếp tục được củng cố trong năm 2010, khi tăng trưởng kinh tế Mỹ vốn quan trọng đối với các nhà xuất khẩu của khu vực này trở lại vùng tích cực. Ông Gokarn nói rằng sự kết hợp chính sách tài chính và tiền tệ cho thấy sự ổn định và sự bắt đầu hồi phục vào cuối năm 2009. Sự hồi sinh nhu cầu nhập khẩu ở Mỹ và ở một mức độ nào đó ở châu Âu sẽ giúp tăng cường tác động tích cực của chính sách tiền tệ và tài chính trong khu vực này. Các nền kinh tế châu Á đã gặp khó khăn trong 3 tháng cuối cùng của năm 2008, do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ và sự tăng trưởng chậm lại về xuất khẩu và các dòng vốn.

Theo ông Gokarn, nhu cầu trong nước mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ cùng với hiệu ứng thấm tràn có thể sẽ giúp kéo khu vực này khỏi bị lún trước khi nhu cầu ở Mỹ và châu Âu tăng trở lại nhưng ông cũng cảnh báo rằng châu Á sẽ không hồi phục bền vững cho tới khi những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới này hồi phục.

S&P dự đoán năm 2009, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống khoảng 6,7% so với mức 9% năm 2008, trong khi Ấn Độ sẽ đạt xấp xỉ 6% so với mức 7,5% năm ngoái. Còn Xingapo sẽ giảm khoảng 3%, Nhật Bản và Hồng Công giảm 2%, Hàn Quốc và Đài Loan dự kiến giảm gần 0,7%.

Ông Gokarn cho rằng các ngân hàng Trung ương trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã dành gần như cả năm 2008 để vật lộn với giá lương thực, năng lượng và các loại hàng hóa khác tăng cao kỷ lục bằng cách tăng lãi suất chỉ tới khi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu bắt đầu chậm lại. Mối đe dọa lạm phát bắt đầu suy yếu hồi tháng 8/08, nhưng phải tới giữa năm nay, khu vực này mới cảm nhận được tác động của việc nhanh chóng nới lỏng chính sách tiền tệ sau đó. Theo ông Gokarn, tìm biện pháp mới để hỗ trợ cho tăng trưởng khi các dòng vốn nước ngoài cạn kiệt cũng vẫn là một thách thức đối với khu vực. Với đánh giá các thị trường tài chính toàn cầu sẽ tăng trưởng tương đối chậm trong năm tới, ông Gokarn dự đoán hoạt động trong lĩnh vực đầu tư ở các thị trường đang nổi trong năm 2009 sẽ không nhiều và đây là tin xấu đối với những nước như Ấn Độ, với kinh tế bùng nổ một phần do đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào.