Châu Âu chia rẽ vì kế hoạch phát hành trái phiếu chung

Theo Vnexpress

Trong khi Luxembourg và Italy lên tiếng ủng hộ kế hoạch phát hành một loại trái phiếu chung cho khu vực đồng euro thì Chính phủ Đức lại kịch liệt phản đối.

Ý tưởng về việc phát hành loại trái phiếu chung E-bond cho 16 quốc gia khu vực đồng euro được nhen nhóm sau khi Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn khẳng định châu Âu cần ít nhất 750 tỷ euro (khoảng 1.000 tỷ USD) để vượt qua khủng hoảng nợ công.

Số tiền này, theo người đứng đầu IMF, chủ yếu được sử dụng để giải cứu những nền kinh tế đang đứng rất gần đổ vỡ như Hy Lạp, Ireland hay Tây Ban Nha thông qua Quỹ bình ổn tài chính châu Âu. Đây là một trong những nội dung quan trọng được các Bộ trưởng Tài chính EU xem xét trong cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 7/12.

Theo đề xuất của một số quốc gia, trong đó có Luxembourg và Italy, cách thực tế nhất để huy động số tiền này là phát hành một loại trái phiếu chung cho khu vực sử dụng đồng euro, mang tên E-bond.

Theo những người ủng hộ, trong đó có Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Junker và Bộ trưởng Tài chính Italy Giulio Tremonti, E-bond sẽ là loại trái phiếu có sức hấp dẫn hơn nhiều so với các hình thức phát hành tương ứng tại mỗi quốc gia trong khối. Điều này cũng sẽ tránh cho các nước như Hy Lạp hay Ireland phải huy động vốn với mức lãi suất “cắt cổ”, sau khi đã đánh mất lòng tin nơi nhà đầu tư. Để quản lý việc phát hành, các nước ủng hộ đề nghị thành lập Cơ quan đại diện nợ châu Âu (EDA).

Tuy nhiên, ý tưởng về việc phát hành trái phiếu chung không hoàn toàn nhận được sự đồng tình từ tất cả các quốc gia trong khối. Ý kiến phản đối mạnh mẽ nhất đến từ Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro.

Phát biểu trong buổi họp báo tại Berlin chiều 6/12, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng châu Âu không cần đến một gói tài chính cỡ 1.000 tỷ USD cũng như một loại trái phiếu chung.

“Cuộc đua lãi suất trái phiếu chính là cách để các Chính phủ biết rõ mức độ tín nhiệm và ổn định của nền kinh tế. Nhìn vào đó, chúng ta cũng biết được quốc gia nào đang đi lệch đường”, bà Merkel khẳng định với hãng tin BBC.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng việc Đức phản đối kế hoạch này là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi trong trường hợp Quỹ bình ổn tài chính châu Âu cần thêm vốn, nước phải đóng góp nhiều nhất chính là Đức. Đây là điều không dễ đối với một quốc gia vốn nổi tiếng “chặt chẽ” về tài chính như nước Đức.