Châu Âu nhức nhối nợ công

Theo Stox.vn

Bồ Đào Nha bị hạ mức đánh giá trong cuộc khủng hoảng niềm tin hiện nay, các ngân hàng Tây Ban Nha đang nằm gần rìa nguy hiểm với nhiều khó khăn dai dẳng

Châu Âu một lần nữa lại chật vật kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ, đã trở nên trầm trọng hơn với sự giải tán của chính phủ Bồ Đào Nha sau khi chính quyền này thất bại trong việc thực thi các chương trình cắt giảm ngân sách.

Lần lượt sau đó, ba con số gây chú ý đối với cả Châu Âu là 12,4%; 9,8% và 7,8%. Đây là lợi suất hiện nay của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của ba quốc gia Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Những con số này ở mức quá cao so với mức lợi suất 3,24% của trái phiếu chính phủ Đức. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa bị thuyết phục rằng chiến lược cứu trợ các quốc gia gặp khó khăn và chìm trong nợ nần một năm sau kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu bùng nổ đã thành công.

Khi các quan chức Châu Âu bàn thảo về khả năng cứu trợ Bồ Đào Nha, sau hai gói cứu trợ dành cho Hy Lạp và Ireland, câu hỏi được thị trường lâu nay tìm lời giải đáp lại được hâm nóng: Liệu Châu Âu có chấp thuận với giải pháp đã bị bác bỏ lâu nay – yêu cầu các nhà đầu tư trái phiếu gánh chịu thua lỗ nhằm ngăn cuộc khủng hoảng khỏi lan rộng.

Trong khi TTCK Châu Âu đang chứng kiến những xáo trộn, thị trường tín dụng của khu vực phải trải qua một quãng thời gian không dễ dàng khi tổ chức xếp hạng Fitch hạ đánh giá tín nhiệm trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha và Moody’s cũng hạ mức xếp hạng của 30 ngân hàng tại Tây Ban Nha.

Nếu các nhà đầu tư bắt đầu lo sợ về sự vững vàng của nền kinh tế Tây Ban Nha, nền kinh tế có quy mô lớn hơn nhiều so với Bồ Đào Nha, với mức nợ ngân hàng cao hơn – sự bình tĩnh của thị trường trong vài tháng qua có thể tan biến.

Một gói cứu trợ dành cho Bồ Đào Nha  được ước tính có thể ở mức 80 tỷ EUR (113 tỷ USD) – đang khiến các quan chức Châu Âu phải đau đầu.Trong khi đó, một số nhà kinh tế học cho rằng cách giải quyết sáng suốt hơn sẽ là tái cơ cấu số nợ hiện có của Bồ Đào Nha thay vì gia tăng nó.

Dù hiện là quá sớm thể đưa ra đánh giá cuối cùng, những nhà kinh tế học này lưu ý rằng khoản tiền 200 tỷ EUR được sử đụng để tài trợ cho Hy Lạp và Ireland hiện có khả năng thu hồi không mấy hứa hẹn. Cả hai quốc gia này đều đang phải nỗ lực huy động các nguồn tiền để có thể tự đứng vững trở lại bất chấp việc đã nhận được sự hỗ trợ từ các nước thành viên.

Tại Hy Lạp, ngân hàng trung ương dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ chạm mức 16,5% trong năm nay. Trong khi đó, các ngân hàng Ireland sở hữu các khoản nợ xấu, góp phần đẩy quốc gia tới bờ vực, có thể phải cần tới nhiều hơn số tiền 35 tỷ EUR đã được Ủy ban Châu Âu và IMF trợ giúp. Để chứng minh rằng thị trường đang coi việc tái cơ cấu nợ là không thể tránh khỏi, lợi suất trái phiếu 10 năm của cả Hy Lạp lẫn Ireland đều đã vượt mức của thời điểm hai quốc gia này nhận gói cứu trợ.

Với trường hợp của Bồ Đào Nha, sau bốn gói “thắt lưng buộc bụng”, áp dụng đối với quỹ hưu trí, cắt giảm chi tiêu, tăng thuế…  cuối cùng Thủ tướng Bồ Đào Nha đã phải từ chức hôm thứ Tư tuần qua do vấp phải sự phản đối từ phe đối lập trong việc thực hiện chương trình này.

Tỷ phú Warrant Buffett tuần trước đã phát biểu rằng sự sụp đổ của khu vực đồng tiền chung Châu Âu “Tôi nghĩ nhiều người nghĩ rằng đây là điều không tưởng… Tôi không nghĩ đó là một điều không tưởng“. Tuy vậy, ông vẫn tin tưởng rằng sẽ có những “nỗ lực khổng lồ” để duy trì khối đồng tiền chung Châu Âu. “Đây chưa phải là ngày tận thế của thế giới, nhưng sẽ cần tới rất nhiều điều chỉnh nếu đồng EUR cho thấy đang nằm trong rắc rối thực sự.”

Theo Raoul Ruparel, nhà phân tích thuộc tổ chức nghiên cứu Open Europe, “Các ngân hàng rõ ràng đang gây áp lực lên Châu Âu để không tái cơ cấu. Nhưng không có lý do thực sự nào để đòi hỏi những người đóng thuế gánh chịu chi phí khi các nhà đầu tư và các ngân hàng có khả năng để hấp thu những chi phí đó.”

Trong tuần qua, Standard & Poor’s đã ước tính trong trường hợp xấu nhất, với sự co hẹp của các nền kinh tế Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các ngân hàng Tây Âu sẽ phải huy động được 250 tỷ EUR. 

Các nhà lãnh đạo Châu Âu hôm thứ Năm tuần trước cũng xác nhận quỹ Bình ổn Tài chính Châu Âu, quỹ cứu trợ khẩn cấp của khu vực, tới tháng 6 sẽ được mở rộng năng lực cho vay lên 440 tỷ EUR.

Ở mức 75% GDP, nợ của Bồ Đào Nha không ở mức cao như Hy Lạp. Nhưng mức tăng trưởng chậm chạp – ở mức yếu nhất khu vực Châu Âu và khả năng cạnh tranh ở mức vô cùng thấp nếu so sánh với Đức khiến cơ hội huy động lượng tiền cần thiết để tái tài trợ cho các nghĩa vụ của quốc gia này trở nên vô cùng khó khăn.

Theo quan điểm của Paul Krugman, việc áp dụng các chương trình thắt lưng buộc bụng là một lựa chọn sai lầm. Vì với việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu chính phủ sẽ tiếp tục đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, với những vấn đề trên thị trường việc làm.

Như vậy, Châu Âu đang phải đối mặt với hai lựa chọn, tiếp tục đưa ra gói cứu trợ thứ ba với nhiều điều khoản chặt chẽ quy định sự thắt chặt chi tiêu hơn nữa đối với ngân sách và những hi sinh đi kèm hoặc tái cơ cấu nợ, yêu cầu các chủ nợ gánh chịu chi phí.

Dù lựa chọn phương án nào, để các quốc gia tự bơi trong vũng lầy của mình hay hay tung chiếc phao cứu sinh giới hạn hơn nữa quy mô và khả năng tăng trưởng của các nền kinh tế vốn đang lung lay hơn bao giờ hết, Châu Âu cũng sẽ phải chấp nhận thực tế đau đớn là cắt bỏ và chữa trị các ung nhọt của mình, nếu muốn duy trì một liên minh kinh tế và một đồng tiền chung khỏe mạnh.