Châu Phi sẽ chọn ai trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung?

Theo Trí Đức/cstc.cand.com.vn

Với dân số khoảng 1,2 tỷ người, gồm 55 quốc gia, châu Phi là thị trường lớn của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, trong đó có Huawei. Vì vậy quyết định ngừng cung cấp phiên bản Android mới của Google cho Huawei được xem là khởi đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ có thể buộc các nước châu Phi, trong tương lai, phải lựa chọn giữa công nghệ Mỹ và Trung Quốc.

Châu Phi là thị trường lớn của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, trong đó có Huawei. Nguồn: internet
Châu Phi là thị trường lớn của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, trong đó có Huawei. Nguồn: internet

Nơi điện thoại Trung Quốc thống lĩnh

Hầu hết người châu Phi kết nối internet bằng điện thoại thông minh Trung Quốc, hoạt động trên hạ tầng mạng do Trung Quốc sản xuất.

Các công ty công nghệ Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi, không chỉ hoạt động ở Đông Phi, mà còn mở rộng dấu chân ở khu vực phía bắc như Ai Cập, Morocco và cả Nam Phi.

Họ liên tục giới thiệu các sản phẩm hoặc dịch vụ mới, có hãng còn sản xuất dòng điện thoại thông minh chỉ để dành riêng cho thị trường châu Phi. Theo CNBC, thành công ở châu Phi của Trung Quốc phần lớn nhờ vào giá cả khi cung cấp nhiều giải pháp thay thế rẻ hơn so với các sản phẩm của Mỹ và châu Âu.

Cách đây hơn 20 năm, Tập đoàn công nghệ ZTE đã bắt đầu tiến vào châu Phi, tiếp theo sau đó là Huawei. Cả hai tập đoàn này đều đã giúp thành lập cơ sở hạ tầng viễn thông của châu Phi, cùng làm việc với các công ty địa phương, viện nghiên cứu và các chính phủ tại châu lục này trong lĩnh vực công nghệ.

Công ty sản xuất điện thoại thông minh Tecno thuộc công ty mẹ Transsion Holdings, đã tạo ra một dòng điện thoại thông minh chuyên biệt dành riêng cho thị trường châu Phi. Mẫu điện thoại này có tuổi thọ pin dài vì nguồn điện tại đây thường không ổn định, màn hình chống bụi và máy ảnh đặc biệt thích ứng với tông màu tối hơn.

Đặc biệt có mức giá chỉ dao động trong khoảng từ 50 – 100 USD/chiếc. Các công ty Trung Quốc rất giỏi trong việc tìm ra xu hướng thị trường; việc nhanh chóng tiếp cận là bí quyết thành công của các doanh nghiệp Trung Quốc. Đây chính là lý do các doanh nghiệp châu Âu bảo thủ thường bị mất cơ hội vào tay đối thủ Trung Quốc.

Ngay khi đặt chân tới châu Phi, các công ty Trung Quốc đã đặt mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, và bây giờ họ không chỉ có điện thoại thông minh mà còn cả mạng phát thanh, truyền hình, dịch vụ viễn thông, trung tâm dữ liệu. China Telecom Global, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Trung Quốc, hồi tháng 12-2016 cho biết họ sẽ làm việc với Trung tâm Dữ liệu Djibouti để mở rộng mạng lưới và thúc đẩy phát triển dịch vụ cáp quang ở Đông Phi.

Huawei cũng đã xây dựng hầu hết mạng internet 4G của châu Phi. Huawei mở văn phòng đầu tiên tại châu Phi vào năm 1998, hiện đang ở vị trí dẫn đầu trong cuộc đua giành hợp đồng triển khai mạng 5G trên lục địa đen. Theo công ty nghiên cứu công nghệ IDC, Huawei hiện là hãng bán điện thoại thông minh lớn thứ tư ở châu Phi, sau một công ty khác của Trung Quốc là Transsion với hai thương hiệu Tecno và Infinix và tiếp đó là Samsung.

Châu Phi sẽ chọn ai?

Theo Eric Olander, thuộc tổ chức Dự án tại Châu Phi của Trung Quốc thì "Huawei xây dựng một phần lớn cơ sở hạ tầng CNTT hiện tại của châu Phi. Vì vậy chiến dịch trừng phạt của Mỹ với Huawei có thể buộc các nước châu Phi phải lựa chọn giữa một "internet do Trung Quốc lãnh đạo và một mạng do Mỹ dẫn đầu".

“Nếu điều này xảy ra, châu Phi không nên nghiêng về bên nào cả” Harriet Kariuki, một chuyên gia quan hệ Trung-Phi, nói với BBC. "Đó không phải là cuộc chiến của chúng tôi, thay vào đó chúng tôi nên tập trung vào những điều có ích cho mình. Đây có lẽ là lúc châu Phi cân nhắc phát triển nền công nghệ của riêng mình phù hợp với thị trường thay vì chỉ là người tiêu dùng thụ động. Tôi muốn thấy các nước châu Phi kết hợp lại và đẩy lùi sự xâm chiếm kỹ thuật số này", Harriet Kariuki nói.

Theo các nhà phân tích rất ít công ty Mỹ biết cách làm việc tại thị trường châu Phi, để tạo ra các sản phẩm phù hợp cho người tiêu dùng ở đây. Vì vậy Huawei có thể sử dụng tình hình hiện tại để thay đổi và phát triển phần mềm bằng các ngôn ngữ thực sự phục vụ thị trường châu Phi. Cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ có thể là điều thúc đẩy Huawei tăng cường sử dụng phần mềm của riêng mình để hỗ trợ thị trường điện thoại thông minh đang phát triển.

Vì vậy các nước châu Phi không nên chọn một bên, thực tế sẽ rất thú vị nếu trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ này, nó có thể hình thành một phong trào không liên kết phục vụ lợi ích của chính họ.

Trung Quốc đang thúc giục các nước ở châu Phi chấp nhận phiên bản kiểm duyệt của internet. Hiện Trung Quốc đang cung cấp các sản phẩm đã được chính phủ châu Phi yêu cầu", ông Gagliardone nói.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng trong nỗ lực bảo vệ các doanh nghiệp của mình, Trung Quốc có thể thúc đẩy mối quan hệ với các chính phủ châu Phi để phát triển các giao thức tạo lợi thế cho các công ty của họ so với các đối thủ.

Theo Fazlin Fransman, thuộc Viện nghiên cứu Moja của Nam Phi thì sự bùng nổ công nghệ và internet hiện nay ở châu Phi phần lớn là do sự đầu tư của các công ty công nghệ Trung Quốc. Vì vậy trong cuộc chiến này, chưa biết châu Phi sẽ nghiêng về bên nào.