Chiến tranh thương mại: Mất mát bên trong kinh tế Mỹ

Theo AQ TH/thoibaonganhang.vn

Lợi nhuận của một nông dân bang Illinois đang nhanh chóng biến mất, thay vào đó là mất mát khi giá ngô, đậu tương và thịt lợn sụt giảm. Một nhà máy bia ở bang Wisconsin thì phải chi nhiều hơn cho lon nhôm do giá tăng, buộc chủ doanh nghiệp phải xếp lại kế hoạch thêm nhân công...

Chiến tranh thương mại: Mất mát bên trong kinh tế Mỹ.
Chiến tranh thương mại: Mất mát bên trong kinh tế Mỹ.

Thuế đánh chiều nào cũng “chết”

Brian Duncan, 53 tuổi, một nông dân trồng ngô, đậu tương và nuôi lợn với trang trại rộng 4.000 mẫu Anh ở Polo, bang Illinois, Mỹ đang phải vật lộn với tình hình kinh doanh không mấy triển vọng.

Thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và dự báo nhu cầu đối với ngô, đậu tương và thịt lợn tăng cao trong năm nay, nhưng hoạt động kinh doanh của Duncan đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ rào cản thuế quan đối với các đối tác thương mại do chính Mỹ dựng lên.

Trong lúc cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang, Mỹ áp thuế “trả đũa” đối với Trung Quốc và Mexico khiến cho đơn hàng từ các thị trường này sụt giảm. Duncan bất lực nhìn giá các sản phẩm của ông sụt giảm từ 16-27% trong giai đoạn từ tháng Tư đến nay.

Với 3.500 mẫu ngô và 500 mẫu đậu tương, đàn lợn khoảng 70.000 con, Duncan tính toán, nếu tình hình thuế khóa tiếp diễn như hiện nay thì vào năm tới anh sẽ chịu mức sụt giảm doanh thu khoảng 1,5 triệu USD trong kinh doanh lợn, 400.000 USD với ngô và 100.000 USD với đậu tương.

“Cuộc chiến thương mại đã thổi bay của tôi từ một nửa triệu USD lợi nhuận trở thành mất mát nửa triệu USD”, ông nói. Kết quả là, nông dân 53 tuổi này đã phải dừng kế hoạch mua một chiếc máy kéo mới và máy liên hợp.

“Bạn luôn cố gắng mở rộng và phát triển doanh nghiệp”, ông nói. “Nhưng bây giờ, điều đó dường như không phải là một quyết định khôn ngoan”.

Ở chiều tác động ngược lại, nhiều doanh nghiệp đang “chịu trận” với các khó khăn đến từ rào cản thuế mà Trung Quốc dựng lên để trả đũa Mỹ.

Octopi Brewing, một nhà sản xuất bia ở Waunakee, bang Wisconsin (Mỹ), đang phải trả thêm 15% chi phí lon nhôm kể từ khi biểu thuế có hiệu lực vài tháng trước. Nhà cung cấp của doanh nghiệp này đã tăng giá lon nhôm từ 10,5 cent một lon lên 12 cent.

Isaac Showaki, Chủ tịch của công ty nói, mức điều chỉnh như trên nghe thì có vẻ không nhiều trên mỗi đơn vị sản phẩm, nhưng tổng chi phí mà doanh nghiệp phải gánh thì tăng thêm khoảng 100.000 USD một năm, với quy mô sản lượng của Octopi Brewing vào khoảng vài triệu lon bia mỗi năm. “Khi bạn đang nói về hàng triệu đơn vị sản phẩm, bạn đang nói về tiền thật”, Showaki, 34 tuổi, nói.

Ban đầu, Octopi nhận về phần mình thêm chi phí, nhưng bây giờ doanh nghiệp buộc phải chuyển nó cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, Octopi vẫn phải chịu khoản chi phí tăng thêm khoảng 30.000 USD cho đến nay và điều đó làm giảm năng lực tài chính của công ty.

“Đó là số tiền chúng tôi có thể chi cho việc thuê thêm người,” Showaki nói. Trước đó, doanh thu của Octopi đã tăng trưởng 50%/năm và công ty này từng lên kế hoạch bổ sung nhân công. Nhưng, Showaki cho biết những thay đổi trong kinh doanh vừa qua đã “phanh lại mọi thứ.”

Sẽ thêm nhiều “chân dung đau khổ”

Hình ảnh những doanh nhân như Duncan hay Showaki được tờ Nước Mỹ Ngày Nay coi là chân dung đau khổ trong một cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang, và những trường hợp như họ đang nhiều lên trên khắp nước Mỹ. Ở chỗ này, người ta phải trả nhiều hơn cho nguồn cung cấp nhập khẩu, chỗ khác phải chịu đựng doanh số bán hàng giảm ở nước ngoài, hoặc cả hai...

Trong khi đó, các quan chức chính quyền Trump cho rằng việc áp thuế quan như vừa qua là cần thiết để bảo vệ các nhà sản xuất thép của Mỹ, vốn được cho là đã phải chịu đựng thiệt hại khi các nhà sản xuất nước ngoài bán phá giá kim loại ở nước này. Thuế cũng nhằm mục đích thúc đẩy Trung Quốc và các nước khác giảm thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ, có khả năng mở các thị trường đó cho các công ty Mỹ.

“Tôi tin rằng chính quyền có ý định tốt,” Bill Yeargin, Giám đốc điều hành của Correct Craft tại Orlando, bang Florida (Mỹ), một trong những nhà sản xuất thuyền buồm lớn nhất thế giới cho biết. “Nhưng, xét trong phạm vi quốc gia, tôi cảm thấy như chúng tôi đã bắn thủng thuyền của chính mình.”

Điều Bill Yeargin nói đến đang thực sự là một mối đe dọa treo trên đầu nhiều doanh nghiệp Mỹ. Bởi nếu Tổng thống Donald Trump tiếp tục gia tăng việc đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu vào nước này, có thể tới hàng trăm tỷ USD, thì “nỗi đau” nó đem lại các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ tăng theo cấp số nhân.

Tổng cộng cho tới nay, chính quyền Donald Trump đã đánh thuế nhập khẩu mức cao với khoảng 50 tỷ USD từ thép và nhôm nhập khẩu và 34 tỷ USD vào một loạt các công nghệ và hàng hóa khác từ Trung Quốc. Thuế nhập khẩu đánh lên 16 tỷ USD hàng Trung Quốc cũng đã có hiệu lực vào thứ Năm vừa qua.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc, Canada, Mexico và Liên minh châu Âu đã phản hồi thuế quan đối với các lô hàng của Mỹ xuất khẩu đến họ, từ xe máy và quần jean xanh đến rượu whiskey và nước cam ép.

Nếu những loại thuế đó được giữ nguyên, nó sẽ giảm ít nhất một phần mười điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của Mỹ và giảm tới 170.000 việc làm trong năm tới, Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics nói. Nền kinh tế Mỹ trước đó được dự báo sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay.

“Nó có tác động, nhưng nó không phải là một tác động đủ lớn đến toàn bộ nền kinh tế rộng lớn,” Zandi nói, lưu ý trong tăng trưởng đó đã có phần hỗ trợ bởi việc cắt giảm thuế.

Tuy nhiên, ông nói, nếu Tổng thống Donald Trump tiếp tục đánh thuế lên 800 tỷ USD như ông từng đe dọa, phần lớn là áp lên hàng Trung Quốc, và các nước khác trả đũa như dự kiến, hệ quả từ các hành động đó sẽ là giảm 1,6 điểm phần trăm tăng trưởng và giảm tới 2,6 triệu việc làm, khiến nền kinh tế có thể lâm vào suy thoái.