Chính sách ân xá thuế tại một số quốc gia trên thế giới

Theo daibieunhandan.vn

Một số quốc gia trên thế giới đối mặt với tình trạng các luồng tài sản và dòng vốn chảy ra nước ngoài ngày một nhiều. Để ngăn chặn nạn “chảy máu tài chính” này, một trong những biện pháp hữu hiệu được áp dụng là ân xá thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tăng nguồn thu

Indonesia đang đối mặt với nhiều khó khăn cả về chính trị lẫn kinh tế. Vì thế, nhiều người dân nước này đã tìm cách chuyển hoặc gửi tiền và tài sản ra nước ngoài với giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD. Quyết tâm không để xảy ra thất thoát tài chính, chính quyền của tổng thống Joko Widodo đã thực hiện chương trình “Ân xá thuế” nhằm thu hút lại các luồng tài sản trên.

Theo đó, công dân Indonesia được phép kê khai tất cả các tài sản hoặc mang tiền về nước để được hưởng những ưu đãi từ Chính phủ. Mức thuế phải trả cho việc công khai tài sản là rất thấp, từ 2 đến 10%. Những nguồn tiền và bất động sản được kê khai sẽ không bị điều tra về nguồn gốc. Các doanh nghiệp chuyển dòng tiền đầu tư ở nước ngoài về quê hương cũng được hưởng thuế ưu đãi ở mức cao nhất.

Tuy nhiên, chính sách ân xá trên được chia thành từng đợt với mức độ hấp dẫn sẽ giảm dần. Với những đối tượng không kê khai đầy đủ, nếu bị phát hiện, sẽ phải nộp gấp đôi số thuế còn nợ và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhờ sự khuyến khích trên, tính đến cuối tháng 9 năm nay, dòng tiền quay trở lại để tái đầu tư quốc đảo Đông Nam Á rộng lớn này đã lên tới 7,3 tỷ USD, trong khi mục tiêu kế hoạch thu về của chính phủ là 12,6 tỷ USD.

Cũng quyết tâm chống lại nạn trốn thuế và sử dụng tiền mặt bất hợp pháp, ngày 28/11 vừa qua, Bộ Tài chính Ấn Độ cũng công bố chương trình ân xá thuế mới. Đây không phải là lần đầu tiên, quốc gia Nam Á áp dụng chính sách trên. Một chính sách tương tự cũng đã được áp dụng vào tháng 6/2016.

Theo đó, những người trước đây đã kê khai tài sản mà chưa nộp thuế, sẽ chỉ phải nộp 50% thuế phải đóng và phụ phí. Cơ hội này mở ra cho những đối tượng trốn thuế được kê khai tài sản và hưởng ân xá, đồng thời, mang lại nguồn thu lên đến hàng tỷ USD cho ngân sách nhà nước.

Qua chương trình, chính phủ Ấn Độ mong muốn không chỉ ngăn chặn dòng tiền bất hợp pháp, mà còn khuyến khích người dân mang tiền và tài sản ở nước ngoài về nước. Theo thống kê, thông qua các hoạt động rửa tiền hay chuyển tiền bất  hợp pháp, có tới hơn 420 tỷ USD bị chuyển ra nước ngoài từ quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Kể từ khi áp dụng chính sách trên, Ấn Độ đã thu thêm 4 tỷ USD tiền thuế.

Con dao hai lưỡi

Việc áp dụng chính sách ân xá thuế hiện được nhiều quốc gia áp dụng. Dù thu được ít hay nhiều, các chính phủ vẫn mong muốn khơi dậy dòng tiền trốn thuế ở nước ngoài trở về phục vụ đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích trước mắt, vẫn tồn tại một số bất cập.

Trở lại với trường hợp Indonesia, dù đặt mục tiêu dự thu về 12,6 tỷ USD để bù đắp cho thâm hụt ngân sách, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng tiền “tái hồi hương” vẫn chỉ như muối bỏ bể. Trong lượng tổng tài sản khổng lồ hiện vẫn được “che giấu’ ở nước ngoài, chỉ có hơn 10% được đầu tư trở lại Indonesia.

Và dù mức thuế được đưa ra của chương trình tương đối thấp, nhưng theo chuyên gia kinh tế Weillian Wiranto của Ngân hàng OCBC, điều này vẫn có những ảnh hưởng nhất định đối với dòng tiền.  Dẫu các khoản thuế thu được sẽ được dùng để tái đầu tư vào nền kinh tế nhưng vẫn phải mất khá nhiều thời gian mới có thể tiến hành.

Thêm vào đó, có nhiều ý kiến chỉ trích mức thuế thấp được áp dụng cho những người giàu có tài sản giấu ở nước ngoài là không công bằng, đặc biệt là với giới lao động. Người ta cũng hết sức e ngại, một khi các chính phủ đã áp dụng những chương trình ân xá thuế theo đợt, sẽ có những lần sau nữa.

Điều này vô hình trung tạo kẽ hở cho những đối tượng đã được hưởng ân xá lần trước tái lập hành vi nợ thuế ở những lần sau. Lợi dụng điều đó, nhiều người sẽ trở nên khôn ngoan hơn khi tìm cách ứng xử với các khoản thuế cần nộp của mình, ở mức có lợi nhất.