Chính sách quản lý thị trường vàng tại Ấn Độ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 9/2019

Việc quản lý thị trường vàng luôn thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội không chỉ ở góc độ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nguồn dự trữ ngoại hối của Nhà nước, cán cân thương mại quốc tế... mà còn liên quan đến việc đảm bảo quyền sở hữu một loại tài sản có giá trị được cất trữ trong dân cư.

Vàng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, tôn giáo và văn hóa của người Ấn Độ.
Vàng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, tôn giáo và văn hóa của người Ấn Độ.

Yêu cầu bảo đảm thị trường vàng được quản lý một cách hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thu hút nguồn vốn xã hội phục vụ cho các nhu cầu đầu tư, loại bỏ yếu tố đầu cơ, gây mất ổn định kinh tế - xã hội luôn là vấn đề quan trọng đặt ra cho các cơ quan chức năng. Bài viết nghiên cứu chính sách quản lý thị trường vàng tại Ấn Độ ở khía cạnh nhu cầu sử dụng vàng của người dân, từ đó gợi mở một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Mục tiêu của chính sách quản lý thị trường vàng

Trong thời gian gần đây, những biến động khó lường của thị trường vàng trong nước và quốc tế bắt nguồn từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đang tiếp tục thu hút được sự quan tâm của dư luận, đòi hỏi cần tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định, tránh những cơn “nóng lạnh” của thị trường. Mục tiêu của chính sách quản lý thị trường vàng tại các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đưa ra thực hiện đều có những lý do sau:

Một là, ổn định thị trường tiền tệ, chống vàng hóa nền kinh tế

Việc các quốc gia xuất, nhập khẩu vàng, các định chế tài chính chuyển đổi vàng thành tiền tệ và ngược lại, có tác động đến cung - cầu tiền tệ và các mục tiêu chính sách được đặt ra trước đó. Bên cạnh đó, nền kinh tế có lạm phát cao sẽ làm cho người dân có xu hướng tích lũy vàng nhiều hơn và làm tình trạng vàng hóa ngày càng khó kiểm soát hơn. Vì vậy, cần có chính sách quản lý thị trường vàng chặt chẽ để ổn định thị trường tiền tệ, chống vàng hóa nền kinh tế.

Hai là, gia tăng dự trữ ngoại hối của quốc gia

Khi ngân hàng trung ương (NHTW) kiểm soát tốt và đầy đủ lượng vàng, đồng nghĩa với việc lượng tiền cung ứng được đưa ra thị trường sẽ gần chính xác hơn và làm giảm nguy cơ lạm phát. Bảng 1 cho thấy, phần lớn các quốc gia phát triển có một tỷ trọng  dự trữ vàng khá lớn trong dự trữ ngoại hối và là nhân tố quan trọng giúp cho nền kinh tế chống đỡ tốt trước những "cú sốc" tỷ giá...

Ba là, huy động vàng để phát triển kinh tế

Là loại tài sản có giá trị, được chấp nhận lưu thông rộng rãi ở nhiều nơi, vàng được người dân tích trữ từ hàng nghìn năm nay. Theo thời gian, lượng vàng tích trữ trong dân còn khá nhiều và chưa được lượng hóa, thống kê đầy đủ. Bên cạnh đó, các định chế tài chính lớn cũng thường xuyên mua bán vàng để phục vụ thị trường và tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, cần có cơ chế chính sách phù hợp để quản lý và huy động vàng từ dân cư, định chế tài chính để làm nguồn lực phát triển kinh tế đất nước.

Bốn là, phát triển hài hòa thị trường vàng trong mối quan hệ tổng thể với các thị trường khác của nền kinh tế

Thực tế cho thấy, giữa thị trường vàng, thị trường tiền tệ, thị trường tài chính và thị trường bất động sản có mối liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại với nhau. Theo đó, dòng tiền giữa các thị trường này chuyển đổi qua lại lẫn nhau và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Việc quản lý thị trường vàng cũng là một phần trong mục tiêu tổng thể là phát triển nền kinh tế tăng trưởng ổn định, trong đó các thị trường được đảm bảo phát triển hài hòa, ổn định.

Cùng với chính sách quản lý thị trường ngoại hối, chính sách quản lý thị trường vàng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định giá vàng, thông qua đó Chính phủ và NHTW sẽ chủ động kiểm soát tỷ giá.

Chính sách quản lý thị trường vàng tại Ấn Độ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 1

Thấy gì từ chính sách quản lý thị trường vàng tại Ấn Độ?

Vàng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, tôn giáo và văn hóa của người Ấn Độ. Trong nhiều thập kỷ qua, các gia đình ở Ấn Độ đã mừng lễ cưới, sinh nhật, thông qua vàng, trong đó một nửa số vàng mà người Ấn Độ mua hàng năm chỉ để phục vụ việc tổ chức đám cưới. Với mục đích kiểm soát thị trường vàng, từ năm 1962, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến việc định hướng và kiểm soát, quản lý thị trường vàng. Cụ thể như sau:

Đạo luật kiểm soát vàng

Đạo luật kiểm soát vàng được Chính phủ Ấn Độ ban hành vào năm 1962 nhằm hạn chế dân chúng sử dụng vàng để tích trữ và tập trung huy động vàng vào NHTW. Các quy định tại đạo luật này bao gồm các nội dung cơ bản như: (i) Cấm các cơ sở sản xuất đồ trang sức bằng vàng có hàm lượng trên 14 carat; (ii) Các cơ sở sản xuất và kinh doanh trang sức phải ghi đầy đủ các thông tin về mua, sản xuất và bán vàng; (iii) Các cá nhân/hộ gia đình chỉ được giữ vàng trang sức; (iv) NHTW độc quyền trong việc xuất, nhập khẩu vàng.

Với những quy định trên, trong những năm đầu, Chính phủ Ấn Độ đã kiểm soát khá thành công thị trường vàng thông qua việc phát hành trái phiếu vàng, trong đó, chỉ trong vòng 3 năm (1962 - 1965), Chính phủ Ấn Độ đã huy động được 19,8 tấn vàng. Tuy nhiên, những năm sau đó, chính sách này đã bộc lộ những hạn chế như: Dân chúng tiếp tục tích lũy vàng như là tài sản tiết kiệm; Việc xuất nhập lậu vàng trên quy mô lớn liên tục diễn ra và không thể kiểm soát; Chính sách ngoại hối liên tục bị ảnh hưởng bởi vàng. Để khắc phục những bất cập trên, vào đầu thập niên 1990 của thế kỷ 20, Ấn Độ bãi bỏ đạo luật này và vàng được coi như là một loại ngoại tệ.

Chính sách tự do hóa thị trường vàng

Vào năm 1997, Ủy ban về tài khoản vốn của Chính phủ Ấn Độ đã xây dựng một chính sách toàn diện để tự do hóa thị trường vàng. Theo đó, các mục tiêu của chính sách này bao gồm: (i) Dỡ bỏ các rào cản đối với việc xuất nhập khẩu vàng, nhằm chống lại các hoạt động buôn lậu và tích trữ vàng; (ii) Phát triển các công cụ tài chính phái sinh gắn với vàng; (iii) Phát triển các thị trường đối với vàng vật chất và vàng phái sinh; (iv) Khuyến khích các ngân hàng thương mại (NHTM) và các tổ chức tài chính tham gia vào thị trường vàng.

Để đưa chính sách tự do hóa thị trường vàng vào thực tế, Ấn Độ đã triển khai một số hoạt động sau: (i) Tháng 7/1997, các NHTM Ấn Độ được cấp giấy phép tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu vàng; (ii) Đầu năm 1999, NHTW Ấn Độ cho phép các NHTM được phép huy động tiền gửi đảm bảo bằng vàng; (iii) Các sổ tiết kiệm bằng vàng được phép giao dịch trên thị trường thứ cấp; (iv) Sau năm 2000, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép phát triển các thị trường phái sinh và kỳ hạn liên quan đến vàng; (v) Năm 2003, Ấn Độ chính thức đưa vàng vào hoạt động tại Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ nhằm tạo thị trường cho việc giao dịch vàng và dễ dàng trong quản lý.

Chính sách chống vàng hóa

Ngày 21/3/2012, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) ban hành quy định các công ty tài chính phi ngân hàng tại Ấn Độ không được cho vay dựa trên tài sản đảm bảo bằng vàng miếng và tiền xu vàng. Tiếp đó, tháng 11/2012, RBI có quy định cấm các NHTM cho vay để mua vàng dưới mọi hình thức. Ấn Độ cũng dừng kế hoạch cho phép tăng tỷ lệ danh mục cho vay dựa trên thế chấp bằng vàng từ 11% - 15%; đồng thời, chỉ đạo các công ty tài chính phi ngân hàng giới hạn giá trị khoản vay ở mức 60% giá trị tài sản thế chấp bằng vàng so với tỷ lệ 90 - 100%.

Cùng với những động thái trên, đến tháng 2/2013, RBI yêu cầu các ngân hàng hợp tác xã chỉ được phép cho vay thế chấp bằng vàng và không được phép cho vay mua vàng dưới mọi hình thức. Đầu tháng 5/2013, RBI quy định các NHTM được phép cho vay dựa trên tài sản đảm bảo bằng vàng trang sức và tiền xu vàng do ngân hàng đúc, nhưng không được phép cho vay để mua vàng dưới bất kỳ hình thức nào. Cho vay dựa trên đảm bảo bằng tiền xu vàng đối với mỗi khách hàng không được vượt quá trọng lượng 50 gram vàng.

Nhờ những chính sách tự do hóa thị trường vàng kết hợp chính sách kiểm soát, quản lý thị trường vàng, Ấn Độ không chỉ ngăn chặn được hoạt động buôn lậu vàng, mà còn giải phóng được một nguồn vốn khổng lồ dưới dạng vàng vào phát triển kinh tế.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Hiện nay, thị trường vàng Việt Nam có quy mô ước khoảng 40 tỷ USD. Theo đánh giá của Hội đồng Vàng Thế giới, thị trường vàng Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên vẫn mang nặng tính thủ công, chưa áp dụng các công nghệ sản xuất và nghiệp vụ kinh doanh hiện đại như trên thị trường quốc tế. Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm quản lý thị trường vàng và huy động vàng của Ấn Độ có thể rút ra các bài học sau:

Thứ nhất, cần quản lý thị trường vàng theo quy luật cung - cầu trên cơ sở liên thông gắn kết với thị trường vàng thế giới. Tuy nhiên, do vàng là tài sản quốc gia và là hàng hóa mang tính tiền tệ đặc biệt nên Nhà nước cần có cơ chế quản lý sao cho huy động tối đa nguồn lực vàng phục vụ mục tiêu phát triển và bình ổn kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của Ấn Độ cho thấy, các biện pháp kiểm soát, hạn chế phát triển thị trường vàng sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế của quốc gia. Để vàng trở thành nguồn lực phát triển đất nước, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích hoạt động xuất nhập khẩu vàng, để vàng dễ dàng tham gia vào hoạt động tín dụng.

Thứ ba, quá trình tự do hóa của thị trường vàng cũng cần được thực hiện từng bước nhằm phù hợp với trình độ phát triển chung của thị trường tài chính. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, tiến trình tự do hoá thị trường vàng nên bắt đầu từ tự do hoá thị trường vàng vật chất, sau đó đến kinh doanh vàng tài khoản và cuối cùng là từng bước xoá bỏ kiểm soát đối với hoạt động xuất, nhập khẩu vàng.

Thứ tư, NHNN là đầu mối quản lý thị trường vàng và điều tiết thị trường này theo quy luật cung - cầu. Vì vậy, việc quản lý thị trường vàng cần hướng tới việc kiểm soát được việc kinh doanh, đầu tư vàng của đối tượng đầu tư, tiêu dùng. Muốn vậy, NHNN cần xây dựng cơ sở pháp lý đảm bảo đối tượng đầu tư, tiêu dùng chỉ có thể mua, bán vàng trên mạng lưới mà NHNN thiết lập (như các NHTM, các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, sàn/sở giao dịch vàng...).

Thứ năm, khảo sát, nghiên cứu học tập kinh nghiệm của các nước phát triển để chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Sở Giao dịch hàng hoá, trong đó có giao dịch vàng (trên cơ sở vàng được coi như một loại hàng hóa đặc biệt) như mô hình của Sở Giao dịch vàng Thượng Hải để đưa thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng quốc tế. Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy, việc đưa hoạt động kinh doanh vàng vào quản lý theo thị trường tập trung mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội.

Tài liệu tham khảo:
1. Lê Đăng Doanh (2013), Quản lý thị trường vàng, những câu hỏi đang đợi trả lời, Tạp chí Tia sáng – Bộ Khoa học và Công nghệ, http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7&News=6527;
2. Ngọc Trang (2019), 10 nước dự trữ vàng nhiều nhất thế giới, http://vneconomy.vn/10-nuoc-du-tru-vang-nhieu-nhat-the-gioi-20190424102015638.htm;
3. Tô Ánh Dương (2013), Bài học quản lý thị trường vàng Trung Quốc và Ấn Độ, bài tham luận Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013;
4. Vietnam Banks Association (2011), Quản lý thị trường vàng nhìn từ kinh nghiệm Ấn Độ, http://www.vnba.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=879:qun-ly-th-trng-vang-nhin-t-kinh-nghimn-&catid=35:tin-tai-chinh-ngan-hang&Itemid=55;
5. World Gold Council (2018), Why invest in gold? Gold’s role in long term strategies.