Chủ tịch Fed điều trần trước Hạ viện về biện pháp kinh tế ứng phó dịch

Theo Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Phiên điều trần sẽ đánh giá tình hình thị trường việc làm, nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ Mỹ, mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19 với nhu cầu về gói kích thích tài chính bổ sung.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. (Nguồn: Washington Post)
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. (Nguồn: Washington Post)

Theo kế hoạch, vào ngày 23/9, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ điều trần trước Tiểu ban chuyên trách các vấn đề về khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Hạ viện Mỹ về phản ứng của ngân hàng trung ương này đối với đại dịch này.

Tiểu ban trên do Đảng viên Dân chủ James Clyburn dẫn đầu đã trích dẫn bình luận của ông Powell ngày 16/9 rằng nền kinh tế Mỹ "có thể cần thêm gói hỗ trợ tài chính mới."

Tiểu ban này cho biết, phiên điều trần trên sẽ đánh giá tình hình thị trường việc làm, nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ Mỹ, mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với tình trạng bất bình đẳng và nhu cầu về gói kích thích tài chính bổ sung.

Sau cuộc họp chính sách của Fed kéo dài hai ngày 15-16/9, ông Powell cho biết sự phục hồi kinh tế Mỹ vẫn đang diễn ra nhưng tốc độ dự kiến sẽ chậm lại, đòi hỏi sự hỗ trợ tiếp tục từ Fed và Chính phủ Mỹ tăng cường chi tiêu.

Fed cũng lưu ý rằng lộ trình hồi phục của nền kinh tế Mỹ sẽ phụ thuộc đáng kể vào diễn biến của dịch COVID-19 bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đang diễn ra sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong thời gian tới và gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng kinh tế trong trung hạn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế sẽ tiếp tục gặp khó khăn nếu không có thêm gói cứu trợ tài chính.

Tổng thống Donald Trump và các thành viên đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ đang tranh luận với các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ về kế hoạch cắt giảm dần quy mô gói cứu trợ liên quan tới dịch COVID-19 trị giá 3.000 tỷ USD được Hạ viện Mỹ thông qua hồi tháng 5/2020.