Chứng khoán Mỹ lại đỏ lửa do lo ngại xung đột thương mại

Theo Minh Anh/bizlive.vn

Thị trường chứng khoán Mỹ lại có phiên giảm mạnh hôm 27/3, do đà bán tháo của nhóm cổ phiếu công nghệ, trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể nổ ra xuất phát từ các biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Chỉ số công nghiệp Dow Jones kết phiên giảm 344,89 điểm, tương đương 1,4%, xuống 23.857,71 điểm, trong đó 25 trong số 30 mã thành phần kết phiên trong sắc đỏ.
Chứng khoán Mỹ lại đỏ lửa do lo ngại xung đột thương mại  - Ảnh 1
  Diễn biến chỉ số Dow Jones. Biểu đồ: MarketWatch
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 45,93 điểm, tương đương 1,7%, xuống 2.612,62 điểm. Ngành công nghệ của chỉ số này lao dốc 3,5%, còn các ngành tài chính và tiêu dùng kết phiên giảm 2%.
Ngoài ra, chỉ số Nasdaq sụt 211,74 điểm, tương đương 2,9%, còn 7.008,81 điểm.
Chỉ còn 2 phiên nữa là kết thúc tháng 3, nếu không có gì bất ngờ thì thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới sẽ có tháng giảm mạnh. Chỉ số Dow Jones hiện giảm 4,7% tính từ đầu tháng và 3,5% tính từ đầu năm nay. Tương tự, chỉ số S&P 500 giảm 3,7% và Nasdaq giảm 3,6% tính từ đầu tháng.
Nguyên nhân chính khiến thị trường giảm mạnh là giới đầu tư bất an về khả năng nổ ra một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc có giá trị lên đến hơn 50 tỷ USD. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng Washington và Bắc Kinh đang đàm phán sau hậu trường để giảm nguy cơ này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu hôm Chủ nhật rằng ông “lạc quan thận trọng” rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt được một thỏa thuận nhằm tránh đánh thuế lẫn nhau. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm thứ Hai bày tỏ tin tưởng rằng hai nước “có đủ khôn ngoan để giải quyết vấn đề”.
James Meyer, Giám đốc Đầu tư tại Tower Bridge Advisors, cho rằng sự biến động của thị trường hiện ở mức cao do các thay đổi về chính sách, bao gồm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ, Mỹ thực hiện chính sách mở rộng tài khóa và nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chuyển từ chính sách toàn cầu hóa sang bảo hộ thương mại và cô lập.