Chứng khoán Trung Quốc đang ngấm đòn?

Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn

Ngày 2/8, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất vị trí thứ hai vào tay Nhật Bản, khi tổng trị giá cổ phiếu chỉ còn chưa đến 6.090 tỷ USD, thấp hơn mức 6.170 tỷ USD của chứng khoán Nhật Bản. Đây dường như là hệ quả tất yếu trước những chính sách leo thang xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Ngày 2/8, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất vị trí thứ hai vào tay Nhật Bản. Nguồn: internet
Ngày 2/8, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất vị trí thứ hai vào tay Nhật Bản. Nguồn: internet

Cần biết rằng vào cuối năm 2014, thị trường chứng khoán Trung Quốc vượt mặt Nhật Bản, giành ngôi thứ hai thế giới, sau đó vượt lên mức cao kỷ lục hơn 10.000 tỷ USD vào tháng 6/2015. Tuy nhiên, trước những đòn trừng phạt thương mại mà Mỹ thực hiện liên tiếp gần đây nhắm vào Trung Quốc, đã đẩy thị trường chứng khoán nước này sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây.

Về cơ bản, với việc Mỹ liên tiếp áp các hàng rào thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc sẽ khó tìm đường vào Mỹ hơn, do đó đánh mất một thị trường tiêu thụ lớn nên kết quả kinh doanh sẽ đi xuống, doanh thu và lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng là tất yếu. Vì vậy, việc các nhà đầu tư sớm bán ra cổ phiếu được xem là hành động kịp thời trong bối cảnh đầy rủi ro như vậy.

Trong khi đó, lượng hàng hóa không thể xuất đi này sẽ tìm đến các kênh tiêu thụ ở thị trường trong nước, đẩy mức độ cạnh tranh ngay tại thị trường Trung Quốc ngày càng khốc liệt. Rốt cuộc kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu lẫn nội địa đều bị ảnh hưởng tiêu cực, do đó giá cổ phiếu suy giảm là điều có thể thấy trước.

Dù chứng khoán Trung Quốc vẫn có cơ hội lấy lại vị thế số hai, nhưng với việc Mỹ dự kiến tiếp tục áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc, đồng thời đề xuất tăng mức thuế suất từ 10% lên 25%, thì có thể thấy những khó khăn của doanh nghiệp Trung Quốc và thị trường chứng khoán nước này sẽ chưa thể sớm chấm dứt.

Với việc đồng Nhân dân tệ bị phá giá quá mạnh càng khiến nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi, trong khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại giảm dự trữ bắt buộc và bơm thêm tiền qua các gói tín dụng hỗ trợ vào thị trường, do đó dòng vốn đầu tư nước ngoài có lý do để tháo chạy ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, càng đẩy các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc giảm sâu như những gì đã chứng kiến vừa qua. Bên cạnh đó là áp lực bán giải chấp khi thị trường suy yếu sẽ càng đẩy cổ phiếu giảm sâu hơn nữa.

Cụ thể, chỉ số chứng khoán Shanghai của sàn Thượng Hải tính đến ngày 3/8 đã mất đến 23% giá trị từ đỉnh cao gần 3.560 điểm hồi cuối tháng 1, dấu hiệu cho thấy chỉ số này đã rơi vào thị trường con gấu, trong khi chỉ số Hang Seng của sàn chứng khoán Hồng Kông cũng rớt đến 16,5% trong cùng giai đoạn.

Đáng lưu ý là nhóm cổ phiếu công nghệ thiệt hại nặng nề nhất khi chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump nhắm trực tiếp vào các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc, khi cho rằng các công ty này luôn tìm cách đánh cắp công nghệ của Mỹ.

Tập đoàn Thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc đã bị Mỹ cấm vận từ 15/4 đến giữa tháng 7 và gần đây mới được giao dịch trở lại sau khi đã chuyển 400 triệu USD tiền ký quỹ tại một ngân hàng Mỹ đồng thời nộp 1 tỷ USD tiền phạt vào ngân khố Mỹ hồi tháng 6.

Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ kể từ đầu năm đến nay đã mất giá 6,5% so với USD, đặc biệt kể từ tháng 4 - thời điểm các thông tin về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên, thì đồng tiền này đã giảm giá hơn 10,6%.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, tỷ lệ thanh toán toàn cầu của Nhân dân tệ giảm xuống 1,81% trong tháng 6 so với một tháng trước đó là 1,88%. Trước đó vào tháng 12/2015, đồng Nhân dân tệ đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thêm vào rổ tiền tệ quốc tế, dù vậy Chính phủ Mỹ vẫn có những cáo buộc Chính phủ Trung Quốc cố tìm cách thao túng đồng tệ.

Ở chiều ngược lại, chỉ số chuẩn Topix của Nhật Bản dù giảm 4,1% , nhưng vẫn còn là một trong những thị trường có thành quả tốt hơn ở châu Á khi có sự hỗ trợ từ chương trình mua ETF của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và khi 60% công ty trong chỉ số này đã công bố lợi nhuận vượt dự báo.

Dù trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh thương mại lần này, nhưng chứng khoán Mỹ lại  không phải gánh chịu quá nhiều thiệt hại như đối thủ. Chỉ số S&P 500 so với đầu năm nay vẫn tăng trưởng 6,2%, trong khi chỉ số Dow Jones tăng 2,4%. Về mức vốn hóa, chứng khoán Mỹ vẫn lớn nhất thế giới với hơn 31.000 tỷ USD, tính đến ngày 2/8.